Ngày 21-9, tại hội thảo quốc tế “Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới” ở Hà Nội do Viện Khoa học Việt Nam tổ chức, 80 nhà khoa học và các học giả đã trao đổi về các biện pháp giải quyết tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình, tránh xảy ra xung đột trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình
Theo các nhà khoa học, để giải quyết tranh chấp biển Đông, đàm phán hòa bình, tuy phải mất thời gian nhưng là phương án hợp lý, phải bảo đảm hợp lý về lợi ích cho các quốc gia liên quan. Vấn đề cốt lõi là phải có những căn cứ như luật pháp quốc tế, trong đó, lấy Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông... làm cơ sở đàm phán. Đại biểu Philippines khẳng định trong bối cảnh mới hiện nay, nếu giải quyết không dựa trên luật pháp quốc tế và tự giải quyết thì sẽ không có bên thắng mà chỉ có thể tạo ra những tranh chấp và bất đồng lớn hơn.
Các nhà khoa học cho rằng 3 mâu thuẫn chính liên quan đến biển Đông là lãnh thổ, an ninh và kinh tế. Có thể giải quyết từng mâu thuẫn nhưng phải đặt trong tổng thể chung, phải tính đến yếu tố lịch sử, tâm lý và nhấn mạnh vai trò của học giả các nước. Cách thức giải quyết mâu thuẫn là chọn những lợi ích gần gũi để cùng hợp tác, xây dựng cơ chế lòng tin nhưng phải có thiện chí, kiên trì thực hiện và phải thể hiện tính tích cực trên thực tế.
EU quan tâm giải quyết tranh chấp biển Đông
Trước đó, ngày 19-9 tại Brussels (Bỉ), Viện Nghiên cứu châu Âu về các vấn đề châu Á (EIAS) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “An ninh hàng hải trên biển Đông”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các đại diện Liên hiệp châu Âu (EU), Bộ Ngoại giao Bỉ, đại sứ các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đoàn ngoại giao, giới nghiên cứu và các nhà báo quốc tế.
Tại hội thảo, ông David Fouquet, quan chức cấp cao của EIAS, đã trình bày về tình hình phức tạp hiện tại trên biển Đông với những tuyên bố của các nước xung quanh khu vực này về chủ quyền tại các khu vực chồng lấn. Ông nhấn mạnh những tranh chấp của các nước liên quan về lãnh thổ tại khu vực biển Đông đã dẫn đến những bất đồng kéo dài, điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất của khu vực Đông Á.
Các nước tham gia hội thảo khẳng định EU có lợi ích trong việc bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Theo đó, EU cần có chính sách tổng thể đối với Đông Nam Á, trong đó có vai trò tham gia giải quyết tranh chấp.
Việt Nam tuyệt đối không để xảy ra xung đột Phát biểu tại hội thảo “An ninh hàng hải trên biển Đông”, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, ông Phạm Sanh Châu, đã nêu rõ quan điểm nhất quán về lập trường và thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của tất cả các bên liên quan, tuyệt đối không để xảy ra xung đột. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là những vấn đề liên quan đến hai bên, hai bên đàm phán giải quyết, những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì các bên cùng bàn bạc giải quyết. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng việc bảo đảm hòa bình và an ninh hàng hải khu vực cần có sự tham gia của tất cả các đối tác trong và ngoài khu vực, là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Theo đại sứ, EU có thể đóng góp nhiều và cụ thể hơn cho việc giải quyết tranh chấp thông qua việc tiếp tục quan tâm đến tình hình khu vực, lên tiếng về vấn đề biển Đông tại các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm của các nước EU trong việc phân chia, quản lý lãnh hải và thềm lục địa. |
Bình luận (0)