Chiều 17-8, ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa - đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng để xử lý những tiêu cực nảy sinh ở điểm du lịch Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) sau khi Báo Người Lao Động đăng tải thông tin về tình trạng "độc chiếm", cấm cản du khách đến đây tham quan.
Nhân viên Công ty CP Sơn Nam (trái) ngăn chặn du khách tham quan thủy đạo Điệp Sơn
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND xã Vạn Thạnh cho biết thực hiện theo Quyết định 637/QĐ mà UBND huyện Vạn Ninh ban hành ngày 19-6 về "Phương án tạm thời phối hợp quản lý, khai thác du lịch tại thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh" (gọi tắt là phương án tạm thời), xã này đã ký hợp đồng cho thuê đất thời hạn 5 năm ở thôn Điệp Sơn với 2 công ty.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô thuê 292 ha (đất và mặt nước) với giá trên 285 triệu đồng/năm. Công ty CP Sơn Nam thuê 211 ha (đất và mặt nước ở Hòn Bịp - thủy đạo đẹp nhất ở Điệp Sơn) với giá trên 211 triệu đồng/năm.
Thời gian gần đây, UBND xã Vạn Thạnh nhận được phản ánh của một công ty lữ hành về tình trạng du khách không thuê ca nô của Công ty CP Sơn Nam vào thủy đạo Điệp Sơn thì không được tiếp đón. Nhân viên công ty còn có lời lẽ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp lữ hành. Công ty CP Sơn Nam khẳng định họ độc quyền khai thác du lịch ở đây, muốn vào thủy đạo Điệp Sơn phải thuê ca nô của đơn vị này với giá 200.000 đồng/người.
Đại diện Đội CSGT huyện Vạn Ninh cũng cho biết qua kiểm tra, cầu phao tạm của Công ty CP Sơn Nam có tình trạng phương tiện khác không được cập vào...
Bức xúc về tình trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, đề nghị: "Phải dành khoảng không gian riêng để phục vụ công cộng. Đây là tài sản chung phục vụ người dân địa phương và du khách".
Theo ông Lê Văn Khải, Chánh Văn phòng UBND huyện Vạn Ninh, mục tiêu của phương án quản lý du lịch tạm thời đưa ra là tránh mất an ninh trật tự, chèo kéo, "chặt chém" du khách, bảo đảm an toàn giao thông. Trước đây, khu vực này rất ô nhiễm, bát nháo nhưng giờ đã sạch sẽ hơn. Tuy vậy, những gì còn thiếu sót, chưa làm được thì phải mạnh dạn điều chỉnh.
"Nên sửa lại hợp đồng thuê đất để các công ty trả tiền từng năm vì nếu thu hồi sẽ tiện hơn. Phải bàn thêm về hợp đồng để người tham quan được vô thủy đạo và bảo đảm được quyền lợi công ty. Không cho vô thủy đạo tham quan là không được nhưng vô thì phải có quy chế, có điều chỉnh phù hợp như thu phí môi trường chẳng hạn" - ông Khải đề xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Ý cũng cho rằng nên kiểm tra, điều chỉnh lại hợp đồng giảm diện tích cho thuê. Phương án đưa ra cũng mang tính tạm thời, nếu quá trình thực hiện chưa tốt thì điều chỉnh.
Theo thượng tá Phan Ngọc Bình, đại diện Đồn Biên phòng Vạn Hưng, huyện đã quan tâm quản lý điểm du lịch tự phát Điệp Sơn khi ban hành phương án tạm thời. "Theo nắm bắt của đồn, hiện có 3 doanh nghiệp cùng khai thác kinh doanh vận tải tàu. Việc cần làm hiện nay là phải giải quyết mối quan hệ giữa các doanh nghiệp thì mới bảo đảm an ninh trật tự" - thượng tá Bình nhận xét.
Sau khi nghe các đơn vị chức năng trình bày, ông Trần Ngọc Khiêm đã yêu cầu UBND xã Vạn Thạnh chấn chỉnh tình trạng ngăn chặn du khách. Các đơn vị rà soát lại quá trình thực hiện phương án tạm thời ở Điệp Sơn, việc nào bất hợp lý thì đề xuất chỉnh sửa; đồng thời, nghiên cứu hợp đồng về thời gian hoạt động, thu các khoản phí.
"Cần bổ sung vào hợp đồng điều khoản doanh nghiệp không được ngăn cấm du khách tham quan thủy đạo" - ông Khiêm nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cũng yêu cầu các phòng chức năng tham mưu việc thu phí môi trường, hình thức thu như thế nào. Các ngành, địa phương tăng cường an ninh trật tự từ đầu bến, cuối bến và trên biển… để hoạt động du lịch tốt hơn, kiện toàn hơn.
Chấn chỉnh doanh nghiệp du lịch
UBND xã Vạn Thạnh cho biết đã làm việc với ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty CP Sơn Nam. Chính quyền xã yêu cầu công ty không được thu tiền dọn dẹp rác thải, vệ sinh và phí tham quan của du khách không thuê ca nô của công ty nếu chưa được cơ quan chức năng cho phép. Ông Luân đã đồng ý với yêu cầu này.
Bình luận (0)