Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho rằng nguyên nhân tai nạn
có thể do trục trặc kỹ thuật trên không (Ảnh: P.Dương
Hai phi công điều khiển chiếc máy bay gặp nạn đều là phi công giỏi và có kinh nghiệm. Trong đó, Thượng tá Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1962 - Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 31 đóng tại Yên Bái) có 996 giờ bay và được đào tạo cơ bản tại Liên Xô cũ; còn Thượng uý Đặng Hồng Vinh (sinh năm 1977) lái ở buồng trước là Phi đội phó và có 331 giờ bay. Kiểm tra trước khi bay cho thấy sức khoẻ của hai phi công và máy bay gặp nạn đều tốt.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, chiếc máy bay quân sự gặp nạn khi đang bay kiểm tra khí tượng, chuẩn bị cho trung đoàn bay huấn luyện. Sau khi bay kiểm tra được 8 phút, máy bay đang trên đường trở về sân bay thì mất liên lạc và ngay sau đó rơi xuống một ngọn đồi ở TP Yên Bái.
Trả lời câu hỏi vì sao hai phi công không nhảy dù, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh lý giải máy bay gặp nạn khi đang bay ở độ cao thấp (do chuẩn bị hạ cánh); do đó, nếu phi công bấm nút nhảy dù thì máy bay rơi tự do có thể lao vào khu dân cư hay cơ quan của Tỉnh uỷ Yên Bái. Chính vì vậy, có khả năng hai phi công cố điều khiển máy bay ra khỏi khu dân cư và đâm vào ngọn đồi không có người và tài sản.
Hiện trường máy bay rơi ở Yên Bái (Ảnh: Dân Trí)
Trước đó, ngày 14-11, lễ truy điệu và đưa tang hai liệt sỹ Nguyễn Văn Vinh và Đặng Hồng Vinh đã diễn ra trọng thể, trang nghiêm và đầy xúc động tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Thượng tá Nguyễn Văn Vinh và Thượng uý Đặng Hồng Vinh cùng trú quán tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Bình luận (0)