Ngày 30-12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức họp báo công bố thông tin về tình hình thu hút và giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010, dự báo năm 2011.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết đang xuất hiện xu hướng nhà đầu tư chuyển địa điểm sang những nước là địa bàn truyền thống của họ vì Việt Nam đã cắt giảm ưu đãi thuế và hết lợi thế lao động giá rẻ. Một vấn đề đáng lưu ý khác là nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp - lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư - còn rất thấp so với các lĩnh vực khác, đặc biệt so với vốn rót vào bất động sản.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), một xu hướng khác đang diễn ra là nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang hoạt động thương mại thay vì đầu tư sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Nguyên nhân là do Việt Nam điều chỉnh thuế theo các cam kết hội nhập, có mặt hàng thuế suất bằng 0.
Trả lời câu hỏi của báo giới về hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI và các giải pháp ngăn chặn, ông Đặng Huy Đông thừa nhận có hiện tượng này và cho rằng đây là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Bộ KH-ĐT, hoàn toàn có giải pháp ứng phó với hiện tượng chuyển giá. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất ở doanh nghiệp đa quốc gia, được thực hiện giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn hoặc các công ty con với công ty mẹ để trốn thuế. Năm 2011, Bộ KH-ĐT bắt đầu triển khai một dự án tăng cường năng lực kỹ thuật để phát hiện chuyển giá tại Việt Nam, dựa trên những tài liệu hướng dẫn của một bộ phận chuyên trách thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD). “Chưa quá muộn để ngăn chặn chuyển giá ở Việt Nam” – ông Đông nhận định.
Theo Bộ Tài chính, năm 2010, tổng mức truy thu thuế từ các doanh nghiệp FDI khai báo lỗ ở Việt Nam chỉ là hơn 1.400 tỉ đồng. Trong khi đó, một số liệu được công bố cho thấy hơn 80% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam khai báo lỗ.
Trong năm 2011, Tổng cục Thuế cũng đặt mục tiêu tăng cường thanh tra tại các doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm liên tục nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công nghiệp chế biến và chế tạo thu hút nhà đầu tư nước ngoài Năm 2010, FDI thực hiện đạt 11 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách Nhà nước đạt 3,1 tỉ USD, tăng 26% so với năm 2009, vượt 6% so với kế hoạch đề ra và đóng góp 18,4% tổng thu ngân sách nội địa. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là thế mạnh và thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2011, dự kiến FDI có thể đạt 20 tỉ USD vốn đăng ký, thực hiện đạt 11 tỉ - 11,5 tỉ USD.
Bình luận (0)