Ngày 22-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Nhiều ĐB không đồng tình với việc giảm mức chi trả BHYT đối với bệnh nhân tự khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến tại bệnh viện (BV) tuyến trung ương.
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (tỉnh Yên Bái) cho rằng dự thảo luật quy định “người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chỉ được thanh toán ở mức 20% chi phí khám chữa bệnh tại BV tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 70% tại BV tuyến huyện” là chưa phù hợp. Mức chi trả tương ứng hiện nay là 30% - 50% - 70% (tuyến trung ương - tỉnh - huyện).
Theo ĐB Nhiệm, cần tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ngoài khả năng chữa trị của BV tuyến dưới, lên tuyến trên kịp thời. Do vậy, mức chi trả BHYT nếu khám ở tuyến trung ương nên giữ nguyên 30% để tránh thiệt thòi cho người bệnh, đồng thời thúc đẩy cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới hoạt động tốt hơn.
Cùng quan điểm, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (tỉnh Đắk Nông) cho rằng không ai muốn khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vì nhiều khổ cực nhưng BV tuyến dưới còn quá nhiều yếu kém nên mới phải tới tuyến trên. “Chúng ta bắt buộc người dân tham gia BHYT khi mà chất lượng điều trị chưa bảo đảm, y đức báo động, như vậy sẽ khó thuyết phục người dân” - ĐB Hạnh nói.
Trong khi đó, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) khuyến nghị để luật đi vào cuộc sống thì nên tuyên truyền cho người dân hiểu và song song đó là chế tài, xử lý thích đáng nếu không tham gia BHYT bắt buộc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là ngành y tế cần triển khai các biện pháp hiệu quả để nâng cao y đức cũng như chất lượng khám chữa bệnh.
Trước thực trạng Việt Nam là 1 trong 34 nước trên thế giới còn gánh nặng về suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị Luật BHYT sửa đổi nên bổ sung quy định cho phép trẻ dưới 6 tuổi khám, tư vấn dinh dưỡng được BHYT chi trả.
Cùng quan điểm, ĐB Bùi Thị An đề nghị bổ sung nội dung khám dinh dưỡng này vào Luật BHYT vì tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam còn cao. Hiện chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 1,63 m trong khi Hàn Quốc là 1,73 m; Trung Quốc 1,72 m; Singapore, Thái Lan và Malaysia đều trên 1,7 m.
Cùng ngày, Bộ Y tế tổ chức họp báo chia sẻ thông tin về Luật BHYT sửa đổi. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, Luật BHYT sửa đổi bổ sung nhiều lợi ích cho người nghèo và cận nghèo, ngoài ra cũng tăng mức khuyến khích các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Nếu như trước đây, trong 1 hộ gia đình, người mua thẻ BHYT thứ hai chỉ được giảm 10% giá trị thẻ thì đối với hộ có 100% người mua thẻ BHYT, ngay từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm tới 30% giá trị thẻ.
Tin tố giác bị ém nhẹm nhiều
Chiều cùng ngày, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), ĐB Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng tất cả cơ quan nhà nước đều có chức năng tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo vẫn chung chung và không rạch ròi giữa “tiếp nhận tin báo tố giác” và “kiến nghị khởi tố”.
“Nếu coi việc xử lý tin báo tố giác tội phạm như chức năng chuyên môn của viện kiểm sát và loại trừ chức năng này ở các cơ quan khác thì có vấn đề. Bởi việc kiểm tra, xử lý các tin báo đó phải trở thành một hệ thống chân rết ở các cơ quan khác. Đầu vào của hệ thống tư pháp phải bắt đầu từ cơ quan điều tra, nếu đưa ngay vào cơ quan viện kiểm sát thì sẽ cắt khúc không đúng, không logic. Cơ quan kiểm sát chỉ kiểm sát việc này chứ không nên đứng ra xác minh tin báo đó” - ĐB Ngũ phân tích.
Theo ĐB Ngũ, cơ quan điều tra của viện kiểm sát không thể quyết định khởi tố tất cả các loại tội phạm mà chỉ xem xét khởi tố hoạt động xâm phạm điều tra, tố tụng hoạt động tư pháp mà thôi.
Trả lời về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao, khẳng định việc làm rõ sự thật của vụ án phải được thực hiện xuyên suốt từ quá trình điều tra, kiểm sát cho tới xét xử ở tòa án. Việc giải quyết oan sai thời gian qua, ngành tư pháp đã làm khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay, người dân đang cần các cơ quan chức năng chống bỏ lọt tội phạm, bắt đầu ngay từ tiếp nhận thông tin tố giác.
Người đứng đầu VKSND Tối cao thẳng thắn nhìn nhận nhiều thông tin tố giác tội phạm của người dân đã bị ém nhẹm. “Do bệnh thành tích hay lý do nào đó, người ta đã giấu tin đó đi nên yêu cầu phải có kiểm soát tin báo tội phạm” - ĐB Bình nói.
T.Kha
Bình luận (0)