Du khách thập phương có dịp đến với Quần thể Di tích lịch sử Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nơi bà Triệu dấy binh đánh đuổi quân Ngô xâm lược, ai cũng trầm trồ trước hàng cây xà cừ đẹp hút hồn dọc 2 bên đường làng dẫn vào di tích.
Tiền dễ kiếm, cổ thụ khó tìm
Theo các cụ cao niên, hàng cây xà cừ tồn tại gần 100 năm. Trước đây có gần 100 cây nhưng do biến cố của lịch sử, hiện chỉ còn có 23 cây. “Hàng cây xà cừ được người Pháp trồng từ những năm 1920. Khi cây lớn lên, hàng cây là nơi che bóng mát cho bà con những lúc đi làm đồng, chúng tôi xem cây như bạn của làng” - cụ Hoa, thôn làng Mậu, xã Tân Ninh, nói.
Đã nhiều lần bị dọa chặt nhưng nhờ người dân và sự quyết tâm bảo vệ của chính quyền xã Tân Ninh mà hàng cây vẫn bình an đến bây giờ. Ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa xã Tân Ninh, cho biết: “Trước đây, một công ty khai thác mỏ nhiều lần xin chặt hàng cây để mở rộng đường vào mỏ nhưng chúng tôi không đồng ý. Gần đây nhất, Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa đóng trên địa bàn đào một mương dẫn nước ngay sát hàng cây. Nghe bà con phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu đơn vị này điều chỉnh vị trí mương để không làm ảnh hưởng đến cây” - ông Sơn nói.
Ông Sơn kể cách đây vài năm, một cây xà cừ bị rụng hết lá, người dân đã làm tờ trình xin chặt cây để lấy gỗ đóng bàn ghế cho học sinh. Tuy nhiên, sau khi ra kiểm tra, nhận thấy cây đang ra chồi non nên ông báo cáo lãnh đạo địa phương giữ lại cây. Ít lâu sau, cây ra lá xanh tốt và sống khỏe mạnh đến nay.
“Khi đó, có người đề nghị bồi dưỡng tôi ít tiền để họ chặt cây nhưng tôi kiên quyết từ chối. Một vài triệu đồng mình có thể làm ra được nhưng để có được một cây xà cừ như ngày nay không phải là dễ” - ông Sơn nói.
Được biết, trước đây, dự án mở đường từ sân bay Thọ Xuân đi cảng Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đi qua đây. Biết tin, chính quyền xã Tân Ninh đã có tờ trình đề nghị nếu làm đường thì không được chặt hàng cây mà phải làm cầu vượt. Con đường đó sau này đã được điều chỉnh sang vị trí khác. “Chúng tôi đã làm tờ trình xin công nhận hàng cây là cây di sản để có chính sách bảo vệ tốt hơn” - ông Sơn nói thêm.
Cả thôn bảo vệ một gốc cây
Trên tuyến Quốc lộ 45 đoạn qua xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có một cây cáo tuổi đời hơn 100 năm nhưng còn rất xanh tốt. Cây cáo được xem như báu vật của thôn Ban Thọ, xã Vạn Thắng, nhiều lần người dân đã “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ cây.
Cụ Vũ Ngọc Viên (83 tuổi, ngụ thôn Ban Thọ) cho biết trước đây, có 2 cây cáo sống với nhau như “vợ chồng” nhưng khoảng 7 năm trước, khi nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 45, đơn vị thi công tổ chức chặt 2 cây này. “Người dân ra sức phản đối nhưng đơn vị này vẫn cho người chặt mất 1 cây. Sau đó, trong làng có nhiều người liên tiếp gặp nạn, thậm chí người chặt cây cáo cũng bị gãy tay. Vì vậy, khi đơn vị làm đường tiếp tục cho chặt cây còn lại, dân làng chúng tôi kéo ra vây kín gốc cây nên mới giữ lại được” - cụ Viên kể.
Ông Lê Đình Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Cống, cho biết những cây có tuổi đời trên 100 năm ở huyện Nông Cống rất hiếm. “Chúng tôi thấy việc giữ lại những cây cổ thụ là rất cần thiết. Nó không chỉ có giá trị về mặt văn hóa mà còn có giá trị về nghiên cứu bảo vệ nguồn gien của những loài cây này. Khi thấy người dân phản đối không cho chặt cây, huyện cũng đồng tình” - ông Thức nói.
Phải chi chúng tôi quyết liệt hơn!
Những ai đã từng đi ngang qua hoặc sống tại Kon Tum chắc hẳn sẽ không quên hình ảnh những cây vông to lớn nằm ngay bên cầu Đắk Bla, cửa ngõ vào TP Kon Tum. Cũng ở đây, có một gốc cây nhưng đến 2 ngọn là 2 cây khác nhau là si và tơ đáp mà người dân thường gọi là cây đôi. Đối với nhiều người, nhìn thấy hàng vông và cây đôi là đã đến TP Kon Tum.
Người Kon Tum còn lưu giữ một câu chuyện cổ tích rằng cây đôi là hiện thân của đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng do không cùng bộ tộc nên không đến được với nhau. Vào một đêm trăng sáng, chàng Si và nàng Hoa hẹn gặp nhau bên bờ sông Đắk Bla than thở cho mối tình tuyệt vọng. Trong cái lạnh của đêm rừng, chàng trai và cô gái quyện chặt nhau. Khi con gà rừng cất tiếng gáy, người làng nhìn thấy một cây si và cây tơ đáp quấn sít nào nhau.
Trong cuốn Tạp ký Kon Tum, nhà văn Tạ Văn Sỹ kể lại rằng: “Mùa tháng giêng, tháng 2, hoa tơ đáp như e lệ chúm chím một màu đỏ thắm trên cao, phản chiếu ánh hồng xuống lá si xanh rì bên dưới”.
Năm 2012, kỷ niệm 100 năm Kon Tum, chính quyền đã cho chặt một phần cây tơ đáp để lại tán si thấp lè tè che bóng. Không lâu sau đó, cây si ủ rũ và chết hẳn. Người ta bảo rằng do cây tơ đáp đã chết rồi, cây si cũng không muốn sống trên cõi đời nữa.
Tiếc cây đôi bao nhiêu, người dân Kon Tum lại xót cho hàng cây vông ở cửa ngõ TP bấy nhiêu. Cụ Lê Thị Lành - SN 1932, người có hơn 40 năm bán hàng nước dưới những gốc cây vông - than thở: “Tôi gắn bó với mấy cái cây đã mấy chục năm rồi, bao nhiêu lá rụng tôi còn đếm được. Khi thấy người ta chặt hạ cây thì tiếc lắm nhưng dân thì nói được gì, ngay cả nhà báo nói mà chính quyền có nghe đâu”. Chị N.T.M, người con gái út của cụ Lành, luyến tiếc: “Bây giờ, nghe đài báo nói ở ngoài Hà Nội họ phản đối dữ lắm mới giữ lại được hàng ngàn cây xanh. Biết thế lúc trước, chúng tôi cũng phản đối quyết liệt hơn”.
Bình luận (0)