Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn vừa thay mặt Bộ trưởng Cao Đức Phát ký văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị xem xét dừng thực hiện chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk để xây dựng Nhà máy Thủy điện Đrăng Phốk.
Rừng đã kiệt, không thể “xén” thêm
Theo hồ sơ thiết kế, công trình thủy điện Đrăng Phốk xây dựng theo kiểu đập dâng trên sông Srêpốk (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Công suất nhà máy dự kiến 26 MW, vị trí tại các tiểu khu 430, 431, 451 của VQG Yok Đôn, với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO) làm chủ đầu tư.
Bộ NN-PTNT cho rằng khi xây dựng Thủy điện Đrăng Phốk sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 63 ha đất có rừng. Trong đó, chuyển đổi vĩnh viễn 53 ha, chuyển đổi tạm thời để phục vụ thi công 10 ha (chưa bao gồm nhu cầu sử dụng đất, rừng để xây dựng đường dây tải điện từ nhà máy đến trạm biến áp hòa với hệ thống điện quốc gia, theo dự tính hành lang tuyến và các trụ cột điện khoảng 27 ha).
Hiện trạng khu vực này là rừng tự nhiên, trong đó có 3 ha rừng giàu, 11 ha rừng trung bình và 49 ha rừng nghèo. Ngoài việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quá trình thi công xây dựng, vận hành nhà máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voi, hổ có thể bỏ đi nơi khác.
Việc xây dựng đập, chặn dòng sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là các loài thủy sinh. Trong quá trình thi công và vận hành nhà máy sẽ tạo thêm áp lực bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên của VQG Yok Đôn, nhất là việc dâng nước lòng hồ Đrăng Phốk sẽ tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động vận chuyển gỗ trái phép bằng đường thủy.
Theo ông Hà Công Tuấn, rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích, chất lượng. Trong 5 năm qua, độ che phủ rừng đã giảm 6,1%. Đặc biệt, khu vực tiếp giáp với VQG Yok Đôn, rừng đã bị suy giảm rất nghiêm trọng, nhiều nơi không còn rừng. Cùng với đó, biến đổi khí hậu gay gắt làm cho thời tiết ngày càng cực đoan, tình trạng khô hạn kiệt diễn ra khốc liệt, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường bền vững ở Tây Nguyên.
Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp - cho rằng mặc dù chủ đầu tư dự án thủy điện Đrăng Phốk đang trong quá trình đánh giá tác động môi trường nhưng để giảm bớt công sức của doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT đã chủ động sớm trình Chính phủ khẳng định quan điểm nhất quán là không đồng ý với việc chuyển mục đích sử dụng rừng làm thủy điện này.
“Không chỉ Thủy điện Đrăng Phốk và 2 nhà máy thủy điện Suối Say 1, 2 trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai) mà tất cả dự án xây dựng nhà máy thủy điện ảnh hưởng VQG, khu bảo tồn thiên nhiên thì quan điểm của bộ là đều dừng hết” - ông Liên khẳng định.
Đừng chạy theo lợi ích của doanh nghiệp
Trong khi đó, ngày 27-5, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh chưa có quyết định cuối cùng về việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Đrăng Phốk.
Theo ông Hà, Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo toàn bộ vấn đề liên quan đến dự án trước ngày 30-5 nên trong vài ngày tới, tỉnh sẽ có kết luận chính thức. Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn công tác khảo sát dự án và đang trong quá trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề này.
Hơn 5 năm trước, khi dự án này rục rịch triển khai, nhiều nhà khoa học, đơn vị quản lý đã phản ứng kịch liệt vì nếu thực hiện sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái rừng khộp và đời sống người dân. Thậm chí, quá bức xúc trước việc cho phép xây dựng Thủy điện Đrăng Phốk, cách đây hơn 2 năm, trong giai đoạn ông Trần Văn Thành là quyền Giám đốc VQG Yok Đôn, ông đã phải thốt lên: “Nếu làm thủy điện này, tôi sẽ xin từ chức!”. Vậy nhưng, bất chấp các ý kiến phản đối, chủ đầu tư vẫn theo đuổi dự án đến cùng.
Trao đổi với phóng viên ngày 27-5, ông Đào Trọng Hưng, chuyên gia sinh thái thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, cho rằng xét về góc độ pháp lý lẫn thực tiễn thì không có cơ sở nào để xây dựng Thủy điện Đrăng Phốk. “Người dân, tài nguyên quốc gia đã phải trả giá đắt cho các dự án thủy điện kiểu này. Không thể lợi dụng phát triển thủy điện để tác động, phá hại rừng lấy gỗ. Chúng tôi rất đồng tình với Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ không cho phép xây dựng dự án thủy điện này trước khi quá muộn” - ông Hưng bày tỏ.
PGS-TS Bảo Huy, Khoa Nông lâm nghiệp của Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng hiện nay, các thủy điện đều có đánh giá tác động môi trường và trồng rừng thay thế nhưng tất cả chỉ là lớp vỏ bọc cho hành động làm suy kiệt các hệ sinh thái. Những năm qua, thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông, hệ thống thủy văn chia cắt, manh mún. Ở nước ta, việc xây dựng thủy điện chủ yếu chạy theo lợi ích của doanh nghiệp, nhiều khi bất chấp các tác động của nó.
“Các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, cân nhắc cái được và cái mất, không thể làm thủy điện bằng mọi giá” - PGS-TS Bảo Huy nhìn nhận.
Dừng 2 dự án thủy điện ở Gia Lai
Ngày 27-5, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai đã xin không triển khai xây dựng Thủy điện Suối Say 1 và 2 trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Lý do là sau khi khảo sát, nghiên cứu, chủ đầu tư nhận thấy 2 dự án thủy điện này làm ảnh hưởng tới rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Trước đó, Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai đã trình UBND tỉnh Gia Lai xin chủ trương xây dựng Thủy điện Suối Say 1 và 2 có tổng công suất 40 MW, đều nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nếu được xây dựng, 2 nhà máy thủy điện sẽ làm mất khoảng 25 ha rừng, trong đó có 6 ha ở khu rừng cần bảo vệ nghiêm ngặt, số còn lại là rừng phục hồi sinh thái.
Về việc sau Công ty TNHH MTV 30-4, liệu có đơn vị nào khác xin làm dự án thủy điện trong khu vực này hay không, ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Chắc chắn là tỉnh không cho vì nó sẽ đụng vào vùng rừng được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng!”.
H.Thanh
Bình luận (0)