Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Thế Dũng
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 29-2, Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới trị giá trên 1,3 tỉ USD, lý do xây tháp cao như vậy trong khi quy hoạch thì truyền hình truyền thống đã bỏ, trong thời điểm kinh tế khó khăn thì vốn ở đâu ra? Đặt mục tiêu xây dựng bất động sản với du lịch có trái ngành không?
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết chủ trương xây dựng tháp truyền hình ghi trong văn kiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VIII. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chiến lược phát triển phát thanh truyền hình có nói phải xây dựng tháp truyền hình.
Sau đó, đến năm 1997, VTV đã trình phương án xây dựng tháp cao 360 mét. Lúc đó, ngân sách rất khó khăn. Sau này, Thường trực Chính phủ cũng nhiều lần bàn nhưng phải ưu tiên cho các mục tiêu khác. Đến năm 2013, VTV tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xây tháp truyền hình với đa mục tiêu. Thủ tướng yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT)… cho ý kiến, thống nhất VTV trình Thủ tướng Chính phủ.
“Với mục tiêu tốt, không sử dụng ngân sách, đảm bảo lợi ích của Hà Nội, của Nhà nước, thu hút lao động, thu hút du lịch… với các mục tiêu như vậy thì Thủ tướng đồng ý, giao cho VTV thực hiện” - ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Theo ông Định, trong quá trình đề xuất, VTV cũng đề xuất một số cơ chế chính sách. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và VTV cùng với các cơ quan liên quan đang xây dựng dự án tiền khả thi. Tất cả các vấn đề dư luận quan tâm sẽ được đưa vào dự án tiền khả thi để Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Sau khi có dự án tiền khả thi, các bộ, ngành liên quan sẽ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Khi nào vấn đề lợi ích, cơ chế thu hồi vốn, lợi ích tổng thể liên quan tới kinh tế, thương mại, du lịch mới duyệt. “Còn nếu không đạt được mục đích, không đạt được hiệu quả thì Thủ tướng không phê duyệt. Bao giờ có dự án thì những nội dung của dự án sẽ được thẩm định và xem xét” - ông Định cho hay.
Dù vậy, ông Định cũng bày tỏ ủng hộ: “Nếu không sử dụng ngân sách Nhà nước mà xây dựng được tháp như thế, thành một công trình biểu tượng của Hà Nội, chúng ta được hưởng thụ công trình như vậy, uy tín của Hà Nội tăng cao thì nên ủng hộ”.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo công văn do Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thành Lương trình Thủ tướng Chính phủ, hiện VTV cùng 2 đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam để xây dựng tòa tháp 636 m - cao nhất thế giới - tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
VTV không chỉ xây tháp và khối đế tháp với tổng diện tích khoảng 14,1 ha mà còn xây dựng khối phụ trợ bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.
Trong các phương án của VTV trình Chính phủ, thì riêng mật độ xây dựng chung cư cao cấp từ 30% đến 50% diện tích (khoảng 300.000 - 600.000 m2). Đáng chú ý, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn.
Bình luận (0)