Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia vừa có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương liên quan đề nghị tăng cường thực hiện quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật đối với các phương tiện cơ giới. Theo đó, việc sử dụng xe hết “đát” (hết niên hạn sử dụng - NHSD), quá hạn đăng kiểm, xe tự chế… đang diễn ra phức tạp, vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, gây nguy hiểm cho nhiều người.
Địa phương phải vào cuộc
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), cho biết đã công bố danh sách xe cơ giới hết NHSD hoặc quá hạn kiểm định trên trang thông tin của cục tại địa chỉ www.vr.org.vn để các cơ quan chức năng và người dân tra cứu. Danh sách này cũng được báo cáo Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), thanh tra giao thông.
Ngoài ra, các trung tâm đăng kiểm cũng thông báo bằng nhiều hình thức đến các chủ xe trước khi phương tiện hết “đát” vào các chu kỳ kiểm định cuối.
“Đa số các chủ phương tiện, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã, đã chấp hành quy định thay thế, loại bỏ các xe hết NHSD. Tuy nhiên, qua phản ánh và cũng qua khảo sát của Cục ĐKVN, ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi vẫn còn tình trạng chủ xe đưa các phương tiện hết hạn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông” - ông Trí nhấn mạnh.
Theo ông Trí, năm 2015, đơn vị này đã tổ chức một số đợt khảo sát tình hình xe hết “đát” ở các tỉnh, thành và đã kiến nghị với địa phương, báo cáo Bộ GTVT một số biện pháp. Trong đó, phải có sự vào cuộc thực sự của địa phương. Lãnh đạo UBND, Ban ATGT các tỉnh, thành phố phải tổ chức họp với các Sở GTVT, công an, lãnh đạo các huyện, thị để triển khai kiểm soát trên cơ sở gắn trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và lực lượng chức năng.
Ông Ngô Hồng Hệ - Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục ĐKVN - cho hay Nghị định số 171 đã quy định chế tài xử lý đối với chủ xe, tài xế sử dụng xe hết “đát”. Thông tư 15/2014/TT-BCA cũng quy định trách nhiệm về việc thu hồi biển số, giấy đăng ký xe khi hết hạn. “Tuy vậy, rất khó thực hiện do chủ xe không tự giác nộp lại biển số và giấy đăng ký khi xe hết hạn” - ông Hệ băn khoăn.
CSGT có quyền “xử” tại chỗ
Nghị định 95/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định NHSD của ô tô được tính từ năm sản xuất xe, trừ một số trường hợp đặc biệt được Thủ tướng cho phép. Với các phương tiện còn lại, NHSD đối với ô tô chở hàng không quá 25 năm, ô tô chở người không quá 20 năm, ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe chở người trước ngày 1-1-2002 không quá 17 năm.
Thực tế, xe hết NHSD đã gây ra nhiều vụ TNGT, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục ĐKVN yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trong cả nước tích cực phối hợp với lực lượng CSGT địa phương trong công tác kiểm soát, thực hiện thủ tục ngừng hoạt động phương tiện hết NHSD. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho hay căn cứ vào danh sách xe hết NHSD, qua quá trình tuần tra, kiểm soát, tất cả CSGT khi phát hiện thì phải thu hồi. Các cơ quan đăng ký sẽ phối hợp với tất cả lực lượng chức năng như công an phường, xã, thị trấn nơi chủ xe cư trú để thông báo, yêu cầu tổ chức, cá nhân có xe hết NHSD đến cơ quan CSGT làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký xe. Nếu trong thời gian 15 ngày kể từ khi thông báo mà chủ xe không tự giác làm thủ tục thì sẽ phối hợp với công an cấp phường, xã thu hồi giấy đăng ký, biển số xe.
Đại diện Cục CSGT khẳng định trong trường hợp kiểm soát ngoài đường và phát hiện xe quá NHSD, CSGT có quyền lập biên bản đình chỉ lưu hành, tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe cũng như thu hồi biển số xe để xử lý. Kể cả trong trường hợp TNGT mà phương tiện không thể sử dụng được nữa thì CSGT cũng sẽ tạm giữ giấy đăng ký, biển số xe, đồng thời gửi văn bản cho các cơ quan đăng kiểm để làm thủ tục thu hồi giấy tờ.
Theo số liệu quản lý của Cục ĐKVN, tính đến hết năm 2014, cả nước có 118.650 xe hết NHSD, trong đó có 77.858 chiếc chở hàng và 40.792 chiếc chở người. Năm 2015, số xe hết NHSD tăng thêm 20.994 chiếc, trong đó có 18.393 xe chở hàng và 2.061 xe chở người. Dự kiến hết năm 2016, sẽ có thêm hơn 25.000 xe hết “đát”, trong đó hơn 22.000 chiếc chở hàng và gần 2.900 chiếc chở người.
Dạt về Tây Nguyên
Năm 2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã khảo sát tình trạng xe hết niên hạn sử dụng (NHSD) tại một số địa phương. Kết quả cho thấy hàng loạt xe hết NHSD vẫn chở người và hàng hóa. Đáng chú ý, xe quá “đát” dạt về Tây Nguyên khá nhiều.
Ngày 27-2, dọc theo tuyến đường 664 nối giữa trung tâm huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vào khu vực xã Ia O (giáp ranh với xã Ia Krái, huyện Ia H’Rai, tỉnh Kon Tum) xuất hiện nhiều ô tô loại 16 chỗ đậu trước nhà. Theo một người dân sống ở xã Ia Krái, các xe này đều đã hết NHSD, bị tháo dỡ toàn bộ ghế sau để chở hàng. Người dân ở đây thường gọi loại xe này là xe “cá mập”. Ban ngày, các xe “án binh bất động” nhưng đến tối là lao vun vút ngoài đường.
“Không biết chở hàng hóa gì mà loại xe này chỉ ra đường từ lúc chập choạng tối tới giữa đêm. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe chạy nên cứ đến tối, tôi cấm mấy đứa nhỏ ra đường chơi vì xe loại xe này cũ nát nhưng phóng bạt mạng, rất nguy hiểm” - một người dân lo ngại.
Tối cùng ngày, phóng viên bám theo một xe “cá mập” khá cũ từ khu vực thủy điện Sê San 4 hướng về TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cửa sổ xe đã đóng cố định bằng miếng tôn nên không thể nhìn thấy bên trong. Ngay sau khi từ đường nhỏ ra đến Tỉnh lộ 664, chiếc xe liền phóng bạt mạng.
Một cán bộ CSGT huyện Ia Grai cho biết tài xế chạy xe hết “đát” luôn tìm cách trốn tránh, chống đối, không chấp hành lực lượng chức năng. Đặc biệt, rất khó kiểm soát khi các xe ở địa phương lân cận lợi dụng trời tối để vào địa bàn huyện hoạt động.
“CSGT huyện Ia Grai đang làm rất gắt để xử lý những xe hết “đát” này. Chúng tôi đã phối hợp với công an xã lập danh sách thống kê các xe để có biện pháp xử lý và đang tạm giữ một loạt xe tại công an huyện” - vị này nói.
Ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, xe quá “đát” chở vật liệu xây dựng cũng hoành hành trên nhiều tuyến đường. Nhiều xe ben cũ kỹ, cơi nới thành thùng, không có biển số, chở đầy gạch vẫn chạy trên trục đường đi qua trung tâm huyện Cư Jút.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 400 xe khách, xe tải hết NHSD từ năm 2014. Nhiều xe trong số này được lâm tặc dùng vận chuyển gỗ lậu để khi bị bắt, họ sẽ bỏ xe tẩu thoát. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đã bắt giữ 3 xe khách hết NHSD, quá hạn đăng kiểm vận chuyển gỗ lậu.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, lợi dụng đêm tối, trời mưa và những lúc vắng người, các đầu nậu sử dụng những ô tô độ chế - thường là xe 12 chỗ ngồi, xe bán tải và xe tải nhỏ cũ, không giấy tờ hoặc đã hết hạn đăng kiểm - tới các điểm tập kết gỗ để vận chuyển đi tiêu thụ. Hiện nay, vẫn còn khoảng 6 xe hết “đát” thường xuyên chạy trên Tỉnh lộ 1, ngang qua vườn có dấu hiệu vận chuyển gỗ lậu.
Còn theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã bắt giữ 5 xe tải chở gỗ lậu, phần lớn đã hết NHSD.
Ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, cho rằng thanh tra giao thông chỉ được phép kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm luật giao thông, còn khi xe chạy bình thường thì không có thẩm quyền. Bên cạnh đó, những xe hết NHSD thường dạt về vùng sâu nên rất khó xử lý triệt để.
Theo ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, hiện các kho chứa xe vi phạm ở tỉnh đã quá tải. Vì thế, sở đang xin kinh phí để xây dựng kho bãi tạm giữ các xe quá “đát”.
Trong khi đó, tại Thanh Hóa, nhiều xe khách hết NHSD từ năm 2014 lại được dùng đưa đón học sinh. Ở các huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, nhiều xe hết “đát” chở đầy mía, sắn, lâm sản... rầm rập chạy trên Quốc lộ 45.
Ở Nghệ An, tại các huyện miền núi như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp..., nhiều xe tải hết “đát” vẫn lén lút chở mía, sắn cho các nhà máy; chở quặng, vật liệu xây dựng tại các khu vực mỏ...
Hoàng Thanh - Cao Nguyên
Bình luận (0)