Theo Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, kể từ ngày 1-7, hành khách đi tàu, đò ngang sông nếu không mặc áo phao hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng. Quy định là vậy nhưng gần như không mấy ai tuân thủ.
“Có ai mặc đâu mà phát!”
Ngày 3-7, 3 ngày sau khi Nghị định 132 có hiệu lực thi hành, theo ghi nhận của chúng tôi, tại bến đò Hàm Tử (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), nơi có lưu lượng khách đi lại bằng đường thủy đông nhất địa phương này, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Tình trạng khách đi tàu quá số người quy định, không mặc áo phao… vẫn diễn ra như thường lệ.
Khoảng 9 giờ, tàu BĐ-0055H chở hơn 10 hành khách đi từ bến Hàm Tử sang làng chài Hải Minh bắt đầu rời bến. Dù phân nửa lượng khách trên tàu là trẻ em nhưng không ai mặc áo phao. “Làm gì có áo phao mà mặc. Lâu nay đi vậy quen rồi, có sao đâu” - người đàn ông trạc 50 tuổi điều khiển tàu nói tỉnh bơ.
Hơn chục chuyến tàu khác chở hàng trăm khách đi từ bến Hàm Tử sang làng chài Hải Minh và xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) cũng ngó lơ với chiếc áo phao. Khách đi tàu chủ yếu là dân địa phương, không mảy may biết có quy định xử phạt và thực tế, không có bất kỳ bóng dáng lực lượng chức năng nào đến kiểm tra, xử lý.
Trên một chuyến đò ngang bắc qua sông Gianh ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, hàng chục học sinh phó mặc cho người đưa đò trong tình trạng không được trang bị phao cứu sinh. Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 32 bến đò đều trong tình trạng như vậy. Trước thời điểm thi hành Nghị định 132, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình tổ chức tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, người dân tuân thủ pháp luật. Dù vậy, cả chủ đò lẫn người sang sông vẫn chủ quan, lơ là.
ĐBSCL là khu vực có nhiều bến đò ngang nhất cả nước với hàng ngàn bến. Việc sống ở vùng sông nước, biết bơi lội từ nhỏ đã tạo thói quen… “nói không với áo phao” của người dân nơi đây. Tại bến đò Chắc Cà Đao (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), mỗi ngày 4 chiếc tàu có sức chở trên 100 người đưa hàng ngàn lượt người qua lại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Các tàu này đều trang bị đầy đủ áo phao nhưng thay vì phát cho khách, chủ tàu lại chất đống trên cao, buộc chặt cẩn thận trên buồng lái. “Có ai mặc đâu mà phát!” - một lái tàu nói gọn lỏn.
Ẩn họa đò ngang
Vụ lật ghe gần đây nhất xảy ra ngày 30-6 tại đoạn sông Trà Khúc, chảy qua xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi làm một người chết gióng lên hồi chuông báo động về ẩn họa từ bến đò ngang, đặc biệt mùa mưa bão đang đến ở địa phương này.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 27 bến đò ngang - dọc và 1 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa (Sa Kỳ - Lý Sơn) với hàng ngàn phương tiện tàu, thuyền. Ngoài ra, ở một số địa phương miền núi, nhiều người hằng ngày phải đi lại bằng thúng, băng qua các hồ, đập để đi làm, giao lưu với bên ngoài. Thế nhưng, phần lớn các bến đò ngang ở đây đều không bảo đảm quy chuẩn hoạt động; nhiều nơi hành khách phớt lờ quy định an toàn như khi đi đò phải mặc áo phao…
Điển hình, ở tuyến vận tải hành khách, hàng hóa Sa Kỳ - Lý Sơn, dù mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách du lịch, người dân ra vào trên những chuyến tàu cao tốc nối từ Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại nhưng hầu như không hành khách nào được trang bị áo phao để bảo đảm an toàn. Trong khi đó, tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn khá dài, trên biển có nhiều sóng to gió lớn, tàu bè thường xảy ra tình trạng chết máy, trục trặc giữa đường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dọc các bến đò ngang theo sông Trà Khúc, sông Re (huyện Sơn Hà), bến đò Đồng Min, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) hay các bến đò tự phát trên các nhánh sông, suối trên địa bàn… tỉnh Quảng Ngãi, những chiếc đò đều không trang bị áo phao hay có những quy chuẩn an toàn cần thiết. Trong khi đó, phần lớn phương tiện đò ngang là những chiếc ghe, thuyền tròng trành, bé nhỏ, rất dễ xảy ra tai nạn.
Theo kết quả kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các bến đò này đều không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định như chưa đăng ký, phương tiện chưa được đăng kiểm, lái đò không có chứng chỉ, không có dụng cụ an toàn.
Tại Bình Định, trên các tuyến đường biển Nhơn Lý - Kỳ Co, Nhơn Hải - Hòn Khô..., khá nhiều tàu cá, canô cũ không đủ điều kiện nhưng vẫn được cải hoán thành tàu vận chuyển khách du lịch. Ông Trần Văn Ơi, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Định, xác nhận chỉ riêng 2 xã Nhơn Lý và Nhơn Hải của TP Quy Nhơn, có đến 44 tàu vận chuyển khách du lịch chưa đăng ký, đăng kiểm. Riêng tuyến Hàm Tử - Hải Minh có 37 phương tiện hết hạn nhưng chưa đăng kiểm lại.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Ơi cho biết Sở GTVT tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền. “Sau đợt tuyên truyền này, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt là các lỗi phương tiện không bảo đảm an toàn và người đi đò không mặc áo phao” - ông Ơi nhấn mạnh.
Phạt không xuể!
Nghị định 132 còn quy định xử phạt từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng đối với chủ tàu, đò chở người không mặc áo phao, tùy theo phương tiện có sức chở ít hoặc nhiều. Chủ tàu, đò không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao cho hành khách cũng bị phạt từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng. Trên thực tế, cơ quan chức năng đang lúng túng trong xử lý vi phạm.
Một lãnh đạo Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận nếu áp dụng đúng theo luật thì phạt không xuể. “Mình không thể cấm người dân không mặc áo phao đi lại bởi cấm thì họ biết đi lại thế nào, mà có phạt thì cũng khó. Cùng lắm chỉ phạt chủ đò nhưng cũng chỉ mang tính răn đe, nhắc nhở là chủ yếu” - vị lãnh đạo này phân trần.
Trong vài ngày qua, tại cảng du lịch Cầu Đá, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thực hiện theo quy định mới, một số tàu chở khách du lịch tham quan các đảo trên vịnh Nha Trang có yêu cầu khách mặc áo phao. Tại đây, các cán bộ của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.
Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, khi xuất bến xong là du khách cởi áo phao ra, thậm chí không mặc lúc trở về. Một chủ tàu thanh minh: “Chúng tôi đã yêu cầu khách mặc rồi nhưng họ kêu nóng, không mặc hoặc cầm trên tay. Không lẽ mình gắt với khách, nói nhiều quá có khi chủ tour du lịch còn mắng mình thêm”.
Theo Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, đơn vị chủ quản cảng du lịch Cầu Đá, tại bến tàu này có 7 cán bộ của đơn vị phụ trách kiểm tra an toàn các tàu du lịch trước khi xuất bến. Dù vậy, vẫn chưa xử phạt trường hợp nào theo nghị định mới.
Trung tá TỪ NHẬT TÚ, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường thủy Công an tỉnh Quảng Bình:
Phối hợp tuần tra, xử lý các vi phạm
Thực hiện theo Nghị định 132, chúng tôi đã có văn bản gửi công an các địa phương, đề nghị phối hợp tuần tra, xử lý các vi phạm về đường thủy. Hiện tại, đơn vị có một đội phụ trách việc tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với công an các huyện, thị xã thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát ở những bến đò và những điểm nóng về tình trạng không mặc áo phao qua sông, chở quá số người quy định và sẽ xử lý nghiêm.
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi:
Tăng cường kiểm tra bến đò ngang
Thời gian qua, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động các bến đò ngang. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra và thường xuyên đi kiểm tra các bến đò ngang, các tuyến giao thông thủy nội địa, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định 132.
Bình luận (0)