Bắt đầu từ 1-10, khí sẽ không được đưa vào bờ và tình hình này sẽ kéo dài một tuần cho đến ngày 7-10. Theo kế hoạch của Petro Vietnam, việc đấu nối sẽ kéo dài trong 15 ngày và được chia làm hai giai đoạn. Tuy nhiên, do giai đoạn 2 chưa có ngày cụ thể nên khả năng nguồn cung ứng khí sẽ bị phong tỏa trong suốt tháng 10.
Ông Lê Xuân Trình, Phó Giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (thuộc Petro Vietnam), cho biết: Trong tháng 10, tình hình gas sẽ rất căng thẳng và còn có thể kéo dài hơn do chưa biết ngày nào khí được tiếp tục đưa vào bờ. Sản lượng thiếu hụt trong tháng 10 sẽ khoảng trên 4.000 tấn, do đó các công ty kinh doanh gas sẽ phải tìm nguồn cung cấp từ bên ngoài. Theo ông Trình, công ty đang rốt ráo đi tìm nguồn nhập nhưng nguồn hàng rất khan hiếm. Hiện các nguồn cung cấp từ châu Âu đã tạm ngừng việc bán gas dự trữ do lo ngại một cuộc chiến tranh nổ ra do Mỹ tiến hành ở khu vực Trung Đông và Nam Á. Tại khu vực, Singapore, Thái Lan, Philippines mới đang hứa hoặc vẫn chưa trả lời việc bán gas cho VN. Việc nguồn gas khan hiếm trong thời gian tới sẽ dẫn đến giá gas sẽ tăng trên thị trường.
Khác với tình hình của gas, nguồn cung xăng dầu trên thế giới không thiếu, nhưng giá đang rất cao và có thể tiếp tục còn tăng thêm. Do ảnh hưởng của sự kiện khủng bố tại Mỹ hôm 11-9, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Tại Singapore, giá xăng Mogas 95 tăng thêm 6 USD/thùng so với đầu tháng 8, giá dầu DO cũng tăng gần 2,5 USD/thùng. Ông Bạch Văn Mừng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết: Trong quý IV, VN phải nhập ước 2 triệu tấn xăng dầu nhưng ngay trong tháng 7 và 8, giá xăng dầu trên thị trường thế giới bắt đầu tăng. Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn do OPEC đã tuyên bố từ 1-9 cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày cộng với nhu cầu vận hành đốt, sưởi cho mùa đông sắp đến và đặc biệt vụ khủng bố hôm 11-9 tại Mỹ làm cho thị trường xăng dầu thế giới biến động. Tuy nhiên, ông Mừng cho biết giá tăng nhưng không phải là không mua được, mà giá cao sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu trong nước và trực tiếp đến người tiêu dùng. Hiện giá thành một lít xăng nhập khẩu vào VN đã cao hơn so với giá quy định của Nhà nước (5.300 đồng/lít xăng M92 và 5.100 đồng/lít xăng M83). Dầu mazut giá thành bán lẻ sau khi nhập khẩu về là 2.800 đồng/kg (chưa kể chi phí vận chuyển trong nội địa). Như vậy, so với giá quy định của Nhà nước là 2.500 đồng/kg thì DN đã cầm chắc lỗ 300 đồng/kg. Trước tình hình trên, ngoài Petrolimex bắt buộc vẫn phải nhập vì là DN Nhà nước, các DN khác (chiếm khoảng 40%) trước nguy cơ bị lỗ nặng sẽ không nhập hoặc chỉ nhập cầm chừng. Điều này sẽ dẫn đến nguồn cung giảm, nguồn hàng khan hiếm. Hiện Petrolimex đã có công văn gửi Bộ Thương mại và Bộ Tài chính có các biện pháp giải quyết. Để ổn định giá, khả năng Nhà nước phải giảm thuế nhập khẩu (hiện là 40%) hoặc phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ tối đa đối với mặt hàng này.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Vật giá Chính phủ: Nhà nước sẽ can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Vật giá Chính phủ, cho biết: “Về tình hình giá gas tăng trong vài ngày gần đây, tôi cho là tình hình chỉ tạm thời, không kéo dài lâu. Giá gas tăng trở lại nhưng chưa đến mức cao, do đó không nên vội vàng áp dụng trở lại cơ chế quy định giá trần đối với mặt hàng gas. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang theo dõi sát tình hình. Nếu giá cả đột biến quá mức, lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng thì Nhà nước sẽ có những chính sách can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng”. Về tình hình xăng dầu, ông Tuấn cho biết: Sau vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11-9, có xuất hiện tình hình một số bạn hàng của VN không ký tiếp hợp đồng; do bị tác động tâm lý nên ở trong nước xuất hiện hiện tượng đầu cơ, tích trữ song không đáng kể. Hiện tình hình đã trở lại bình thường. Tuy nhiên dù không có tình hình trên thì trước đó các DN kinh doanh xăng dầu cũng đã bị lỗ. Hiện xăng đang lỗ 300 - 400 đồng/lít, dầu hỏa, dầu DO lỗ 500 - 600 đồng/lít, đặc biệt là mazut lỗ 700 đồng/lít mặc dù thuế nhập khẩu bằng 0%. Để xử lý vấn đề này “quan điểm của Ban Vật giá Chính phủ là không tăng giá bán lẻ xăng dầu vào thời điểm này, nhất là vào tháng 10 tới giá điện tăng, vì sẽ gây sốc cho nền kinh tế và xã hội. Chúng tôi đã có văn bản gửi Chính phủ không đồng ý việc tăng giá xăng dầu và cho rằng không nên ban hành quy định mức thuế nhập khẩu xăng dầu tối thiểu 30%. Nên để một biểu thuế linh hoạt, nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao thì có thể giảm xuống 20%, 10%, thậm chí 0%” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định. Đ.H |
Giá vàng và USD chợ đen đều tăng (NLĐ) - Ngày 20-9, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc - Đá quý TPHCM tăng 2.000 đồng/chỉ, lên 500.000 đồng/chỉ (mua vào), 508.000 đồng/chỉ (bán ra). Giá vàng thế giới cũng tăng nhẹ lên 290,2 USD/ounce (tăng 1,1 USD). |
Bình luận (0)