Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại Quốc hội
Sáng nay 20-11, phiên chất vấn tại Quốc hội tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát.
Trước đó, vào chiều qua 19-11, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn về tính đảm bảo an toàn của các hồ, đập miền Trung trước mùa mưa lũ. Bộ trưởng NN-PTNT cho biết cả nước hiện có 6.800 hồ, trong đó có 1.200 hồ có vấn đề cần tu bổ nâng cấp sửa chữa nhưng chưa có kinh phí. Dự kiến tổng kinh phí cho công tác này là 3.000 tỉ đồng.
Lo ngại với thảm họa có thể xảy ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Trong 1.200 hồ, đập phải tu bổ, Bộ trưởng suy nghĩ thêm và khẳng định có vỡ không. Chưa đủ tiền để tu bổ nhưng không được để vỡ. Nếu chưa có tiền thì phải báo cáo Chính phủ, báo Quốc hội để tính”.
Sáng nay 20-11, trả lời các chất vấn còn "nợ" từ chiều qua 19-11 do hết giờ, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho rằng đối với vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa, mà cụ thể là 1.200 hồ đập đang cần sửa chữa, nâng cấp, điều đó không có nghĩa là toàn bộ 1.200 hồ đập đó sẽ vỡ đến nơi. Không phải như hôm qua có người nói đây là những quả bom.
Theo lý giải của Bộ trưởng Cao Đức Phát, những hồ này không phải là hồ thủy điện mà là hồ thủy lợi đã được xây dựng cách đây 30, 40 năm. Do xây dựng đã lâu nên trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp, chúng ta cần nâng cấp để đảm bảo an toàn hơn.
Đập Tây Nguyên tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, bị vỡ năm 2012 - Ảnh: Đức Ngọc
Thực tế, trong đó chỉ có 317 hồ thực sự đang có vấn đề và 120 hồ xung yếu. Đối với những hồ xung yếu, chính phủ đã bố trí vốn, nâng cấp sửa chữa đảm bảo an toàn. Đối với các hồ khác, trong khi chưa nâng cấp được thì phải tăng cường quản lý theo Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý an toàn đập.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý vấn đề trong phòng tránh thiên tai. Về vấn đề 1.200 hồ có vấn đề cần sửa chữa, nâng cấp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phải báo cáo cụ thể với Chính phủ, Quốc hội hồ đập nào an toàn, hồ đập nào cần sửa chữa gấp để phải gia cố, đầu tư với tinh thần phải đảm bảo an toàn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, khi làm thì chúng ta đã tính toán nhưng do thời gian lâu quá nên cần tính toán và rà soát lại. Hồ thủy điện đã có Bộ Công Thương rà soát, hồ thủy lợi thì trước hết trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND các địa phương, sau đó là Bộ NN-PTNT.
“Dù thiếu vốn đến đâu thì thiếu nhưng không được xem đó là quả bom, không thể để nó vỡ” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bình luận (0)