. Phóng viên: Thưa ông, việc kê khai và xác minh tài sản của người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) không phải lần này mới thực hiện. Có cách làm nào để tài sản được công khai một cách đầy đủ nhất và có thể kiểm chứng được sự trung thực?
- Ông Lê Tiến Hào: Việc hướng dẫn kê khai tài sản với người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND vẫn theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP (ngày 9-3-2007) của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và các quy định hiện hành.
. Như vậy vẫn không có sự đột phá nào để khẳng định việc kê khai tài sản là chính xác 100% và chủ yếu dựa vào sự trung thực của người ứng cử?
- Trước hết, người tiến hành kê khai tài sản phải trung thực. Nếu không trung thực thì không nên ra ứng cử. Thứ hai, cơ quan quản lý nhận bản kê khai của người ứng cử phải có trách nhiệm xem xét. Nếu phát hiện có vấn đề hoặc thiếu trung thực phải yêu cầu người ứng cử làm rõ. Ngoài ra, có thể thông qua kênh tố cáo, phản ánh của cử tri. Nếu việc kê khai tài sản được xác minh là không trung thực, người ứng cử sẽ bị xóa tên khỏi danh sách.
. Việc công bố bảng kê khai tài sản của người ứng cứ như dán niêm yết tại địa phương sẽ bảo đảm sự chính xác vì có sự giám sát của cử tri. Vì sao không áp dụng cách này?
- Như tôi đã nói, quy định hiện hành chỉ dừng ở công bố kết luận việc kiểm chứng kê khai. Tuy nhiên, Nghị định 37/2007/NĐ-CP đang được nghiên cứu sửa đổi. Theo các quy định hiện hành, có rất nhiều biện pháp kiểm soát, tuy nhiên cũng khó có thể kiểm soát hết được.
. Ông có đồng ý rằng cán bộ công chức Nhà nước mà có khối tài sản quá lớn thì khó thuyết phục cử tri về phẩm chất đạo đức?
- Theo tôi, người ứng cử có nhiều hay ít tài sản không quan trọng. Nếu họ có thể làm giàu một cách chính đáng thì việc họ có nhiều tài sản là tốt. Kể cả trường hợp công nhân viên chức cũng vậy. Mặt khác, tài sản có thể được cho, tặng, thừa kế… Tuy nhiên, khi kê khai mà có vấn đề, cơ quan quản lý việc kê khai tài sản của người ứng cử có thể yêu cầu xác minh và xử lý.
. Kỳ bầu cử QH khóa XII vừa rồi có phát hiện sự thiếu trung thực của người ứng cử không và xử lý như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi biết, đã phát hiện một số trường hợp và cũng đã xử lý bằng nhiều cách. Một số trường hợp đưa ra khỏi danh sách bầu cử, ứng cử, bị kỷ luật. n
Kê khai tài sản từ 50 triệu đồng trở lên
Ngày 4-3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIII của các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương. Theo đó, các ứng cử viên ĐBQH và HĐND đều phải kê khai trung thực tài sản của bản thân, vợ hoặc chồng và của con chưa thành niên. Người ứng cử phải kê khai cụ thể từng mục như: nhà ở, quyền sử dụng đất, tài sản… có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Đối với các trường hợp được yêu cầu và ra quyết định xác minh, người ra quyết định xác minh cũng chính là người ra kết luận về việc xác minh tài sản. |
Bình luận (0)