Sáng 27-6, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc với báo chí liên quan đến việc Nhà máy Giấy Lee & Man sắp vận hành thử nghiệm vào tháng 7 tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Sẽ giám sát 24/24 giờ?
Khi được hỏi về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt từ năm 2008 là quá cũ, ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2004, phê duyệt ĐTM là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, do đây là dự án lớn, công suất cao nên Hậu Giang nhờ Bộ TN-MT hỗ trợ, sau đó tỉnh mới phê duyệt. Nhưng theo quy định mới có hiệu lực từ năm 2014 thì dự án trên do Bộ TN-MT phê duyệt”.
Cũng theo ông Cường, do tình hình biến đổi khí hậu đã xảy ra khác so với cách đây 8 năm nên Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (chủ Nhà máy Giấy Lee & Man) thuê đơn vị tư vấn lập lại ĐTM. Vấn đề này cũng thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT. Đối với nước thải từ Nhà máy Giấy Lee & Man, ông Cường cho biết sẽ giám sát, quan trắc 24/24 giờ. Thiết bị quan trắc nước thải tự động sẽ do công ty lắp đặt, đấu nối còn Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang chỉ nhận kết quả từ máy tính.
“Sở TN-MT và UBND tỉnh Hậu Giang đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư máy tính, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam sẽ chuyển giao công nghệ, hướng dẫn. Cán bộ chuyên ngành môi trường của sở sẽ phụ trách quan sát” - ông Lý Quốc Sử, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT (Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang) nói.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Hậu Giang, lo lắng: “Ngành nông nghiệp sẽ phát triển diện tích nuôi cá tra đến năm 2020 là 250 ha gần khu vực nhà máy giấy nên cũng lo nếu nhà máy không xử lý tốt nước thải, cộng với biến đổi khí hậu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn”.
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết năm 2007, khi tỉnh Hậu Giang đưa dự án nhà máy giấy về, chính ông và những nhà khoa học khác đã phản đối. Sau đó, dự án dừng lại, không hiểu sao nay khởi động lại. Ông Bảnh nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thu hút dự án được 1 điều là phát triển kinh tế mà mất đến 10 điều đó là cuộc sống của hàng triệu người dân ĐBSCL” .
Nhà đầu tư đã cam kết?
Trước đó, ngày 17-6, UBND tỉnh Hậu Giang có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A có diện tích khoảng 110 ha đã có 2 doanh nghiệp lấp đầy 100% diện tích, trong đó riêng Nhà máy Giấy Lee & Man khoảng 80 ha. Do số lượng nhà đầu tư ít, ngân sách tỉnh khó khăn, nhà đầu tư cam kết xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả thải ra sông Hậu nên tỉnh không xây dựng hạ tầng và trạm xử lý nước thải tập trung mà giao cho các nhà đầu tư tự thực hiện.
Đối với việc sử dụng chất xút, theo báo cáo ĐTM thì nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp không sử dụng xút, chỉ có nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng có sử dụng xút khoảng 215 tấn/ngày và được thu hồi trong quy trình sản xuất. Ngoài ra, trong quy trình xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 2 nhà máy có sử dụng chất xút với liều lượng khoảng 22 tấn/ngày… Đến nay, nhà máy chưa hoạt động, hệ thống xử lý nước thải đang được xây dựng và chủ đầu tư đã cam kết là hệ thống xử lý nước thải sẽ xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm, bảo đảm đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả. Vì thế, báo chí nêu việc đầu tư dự án nhà máy giấy tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là chưa có cơ sở.
Trong khi đó, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nói đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý các khó khăn mà dự án gặp phải cũng như thông tin mà báo chí nêu. “Tỉnh Hậu Giang còn nhiều khó khăn nên vấn đề thu hút đầu tư rất được quan tâm. Tuy nhiên, không vì nghèo mà bất chấp mọi vấn đề, nhất là về môi trường” - ông Chánh khẳng định.
Cục Lâm nghiệp từng đề nghị dừng dự án
Năm 2007, tỉnh Hậu Giang vươn lên đứng thứ ba cả nước và dẫn đầu các tỉnh, thành phố ĐBSCL về thu hút vốn FDI. Bấy giờ, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) có văn bản nêu: “Theo công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của Nhà máy Giấy Bãi Bằng hiện giờ, để sản xuất một tấn giấy hay bột giấy cần 50 kg xút (NaOH) làm chất tẩy và cũng có nghĩa là mỗi năm sẽ có 28.500 tấn xút đổ ra môi trường. Còn Nhà máy Giấy Lee & Man đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn như vậy. Nếu đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển phía Nam, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL. Vì vậy, nếu UBND tỉnh Hậu Giang và Nhà máy Giấy Lee & Man không đáp ứng những yêu cầu về xả thải, môi trường… thì Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay việc xây dựng khi còn chưa muộn”.
Bình luận (0)