Dù biết căn nhà đã nghiêng, hễ có mỗi đợt gió to thì những miếng ván trên tường, trụ nhà có biểu hiện rung chuyển nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (sống bên bờ kênh Tẽ, phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) vẫn cố bám trụ.
“Đi nhẹ nhàng thôi…”
Cơn mưa giông sáng 8-9 khiến căn nhà lắc lư suýt đổ, ông Sơn cùng vợ và đứa con trai phải chạy ra ngoài để thoát thân. Ông Sơn cho biết căn nhà nằm trong dự án di dời khỏi khu vực kênh Tẽ. Cách đây ít tháng, ông được Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng quận 7 đền bù cho diện tích 15 m2 đất, tổng số tiền 192 triệu đồng. Sau đó, đơn vị này hướng dẫn ông mua căn hộ chung cư trên địa bàn quận 7 với giá 600 triệu đồng. Do không đủ tiền, gia đình ông quay lại căn nhà đã từng tháo dỡ mái, vách để tiếp tục sinh sống, bán thuốc lá. Theo ghi nhận của chúng tôi, cửa vào căn nhà được che bằng một tấm vải cũ, chiếc giường của 3 con người chỉ là miếng ván ép xin từ các hộ dân khác.
Tại khu vực kênh Tẽ có hàng chục căn nhà tương tự. Thậm chí, có những căn nhà dù vách làm bằng gạch kiên cố nhưng móng lại bằng những cây gỗ tràm đâm thẳng xuống mặt nước. Lâu năm, những trụ này sụt lún khiến nhà nghiêng sang một bên nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, tiếp tục sinh sống.
Bà Trần Thị Công (một cư dân vẫn còn bám trụ) dẫn chúng tôi vào bên trong căn nhà vừa dựng kèm lời nhắc nhở: “Đi nhẹ nhàng thôi, sàn nhà hơi yếu nên dễ rớt xuống nước”. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại sống ở một nơi mà khả năng sập đổ rất cao, bà Công thở dài: “Nếu chuyển sang nơi khác thì biết làm nghề gì để sống. Mặc dù nhà xuống cấp nhưng không dám sửa vì sợ lực lượng chức năng đến tháo dỡ”.
Gia đình bà Công và ông Sơn là 2 trong hàng chục hộ dân mà chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu di dời để tránh gặp tai nạn. Tuy nhiên, do không bảo đảm được chỗ định cư mới nên họ vẫn cố bám trụ.
Tương tự, đứng trên cao nhìn xuống, rạch Bến Nghé (quận 4) cũng có thể thấy đầy rẫy những căn nhà lụp xụp, vách làm bằng tôn hoen gỉ. Đây là 1 trong những “khu ổ chuột” đang được UBND TP HCM đưa vào dự án di dời 17.000 căn nhà nhằm chỉnh trang, làm sạch bờ kênh.
Đứng trên cầu kênh Tẽ, chúng tôi nhận thấy nơi đây khá nhếch nhác, hầu hết các gia đình đều xả thải trực tiếp xuống dòng nước, nhiều hộ còn múc nước bẩn lên dùng. Những người dân nơi đây đa phần kinh doanh nước giải khát, sửa xe, thu mua ve chai…
Gần khu vực nói trên, đoạn qua phường Tân Phong (quận 7), nhiều gia đình di dời nhưng không tháo dỡ hoàn toàn. Họ chỉ bỏ phần mái, đập phá vách tường, đổ vật liệu xây dựng xuống dòng nước.
Lấn chiếm, cơi nới
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND phường Tân Kiểng, quận 7 - cho biết hiện trên địa bàn, việc di dời những căn nhà như trên chỉ đạt 50% vì nhiều người cho rằng số tiền đền bù còn thấp.
Theo đại diện Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng quận 7, khu dân cư ven kênh Tẽ hình thành từ năm 1988-1989, thời điểm đó chỉ là những căn chòi nhỏ. Dần dần, người dân liên tục lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, rạch. Trong quá trình đo đạc, người dân tiếp tục cơi nới nhằm “ăn gian” tiền đền bù. “Sắp tới, Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân hiểu rõ vấn đề, tránh quay lại sinh sống trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng” - vị này nói.
Sở Xây dựng TP HCM cho biết trong giai đoạn 2015-2020, TP sẽ di dời 12.000 căn nhà ven kênh rạch với tổng kinh phí là 12.400 tỉ đồng. Ngoài khu vực kênh Tẽ còn có các tuyến kênh, rạch như: Tham Lương - Bến Cát, Nhảy - Ruột Ngựa, Bàu Trâu, Ông Búp... Tại những khu vực này, người dân không ngừng lấn kênh, rạch để mở rộng diện tích đất ở. Có đoạn kênh, rạch bị mất đi 40% diện tích do người dân lấn chiếm.
Nên cải tạo thành khu tham quan đường thủy
Theo một kiến trúc sư, dự án di dời những “khu ổ chuột” được UBND TP đề ra từ năm 1993, công trình đầu tiên là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tiêu tốn gần 15.000 tỉ đồng để cải tạo bồi thường 7.500 căn nhà. Nhìn chung, qua các giai đoạn, việc di dời đều không đạt mục tiêu. Cụ thể, từ năm 2006-2014, di dời hơn 10.000 hộ dân. Riêng giai đoạn gần đây, mỗi năm chỉ giải quyết được 800 căn nhà. Như vậy, để đạt tiến độ đến năm 2020 di dời hết 12.000 căn nhà, mục tiêu phải tăng gấp 5 lần. “Sau khi giải phóng mặt bằng, nên cải tạo thành một công viên cây xanh, tiếp tục kinh doanh tour tham quan bằng thuyền và ca-nô. Đưa du lịch sông nước vào kênh Tẽ bảo đảm sẽ thu hút nhiều du khách, lợi nhuận sẽ cao hơn so với tour kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bởi nơi đây quang cảnh thoáng mát, có xuồng - ghe - phà của người dân vận chuyển hàng hóa từ miền Tây lên, tạo nên bản sắc riêng. Hiện bờ kênh Tẽ hình thành một chợ nổi buôn bán trái cây tự phát. Nếu chú trọng xây dựng chợ nổi giữa lòng Sài Gòn thì càng hấp dẫn hơn” - vị kiến trúc sư phân tích.
Bình luận (0)