xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khu vui chơi: Nguy hiểm rình rập

Nhóm phóng viên thời sự

Các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ đều phục vụ mục đích kinh doanh nên rất bát nháo, trang thiết bị cũ kỹ, nguy hiểm. Chiều 12-6, tại Công viên Văn hóa Đầm Sen - TPHCM đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một cháu bé 5 tuổi tử vong. Được người nhà đưa vào công viên chơi, cháu đã ôm một bức tượng cao hơn 1 m để chụp hình, bất ngờ bị bức tượng ngã đè chết tại chỗ. Vụ tai nạn thương tâm này một lần nữa cảnh báo về thực trạng thiếu an toàn tại các khu vui chơi giải trí ở TPHCM.

Nội thành: Đáng sợ

Trưa 13- 6, chúng tôi trở lại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Xung quanh công viên này chúng tôi thấy có khá nhiều tượng hình thú, nhân vật thần thoại bằng đá, xi măng được gắn sơ sài trên mặt đất, trong khi rất nhiều trẻ em thường đến đùa nghịch. Các khối đá khổng lồ nặng hàng tấn cũng được đặt trong tư thế chênh vênh rất đáng sợ, nhất là vào mùa mưa. Tại nơi xảy ra vụ tai nạn, bức tượng đã được cơ quan công an mang đi. Nhân viên ở đây cho biết bức tượng chỉ đặt tạm chân đế trên mặt đất. Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen, giải thích: “Tượng này được làm bằng đá thiên nhiên, cao khoảng 1 m, ngang 0,65 m, nặng trên 100 kg, chân đế chỉ rộng có 2 tấc”...

Ông Trung cho biết sau khi tai nạn xảy ra, công viên đã tổ chức cho người kiểm tra lại toàn bộ các vật dụng, tượng đặt trên mặt đất và sẽ tiến hành lắp đặt chân đế đổ bê tông âm xuống đất để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách. Những vật có chân đế âm dưới đất cũng sẽ được kiểm tra, nếu không an toàn sẽ phải đào lên lắp đế đổ bê tông cố định. Riêng các khối đá khổng lồ sẽ được dời về bãi đá mới, nơi được xử lý nền móng chắc chắn hơn...

Các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ đều phục vụ mục đích kinh doanh nên rất bát nháo, trang thiết bị cũ kỹ, thiếu an toàn. Đó là ghi nhận của chúng tôi khi đi thực tế từ nội ô ra đến ngoại thành TPHCM. Gần như chưa có một sân chơi dành cho thiếu nhi nào được xây dựng đúng nghĩa và được đầu tư trang thiết bị bảo đảm an toàn. Các điểm có dịch vụ trò chơi dành cho trẻ em đều là khoảng không gian được tận dụng tối đa, thậm chí là điểm tập kết rác, bãi đỗ xe...

Tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1), nơi lượng trẻ em mỗi ngày đến vui chơi rất đông, các “thượng đế nhí” cũng chỉ được chơi trên những cỗ máy già nua, rệu rã. Đa phần các trang thiết bị vui chơi đã xuống cấp trầm trọng. Vài hạng mục trò chơi đã được sơn phết lại nhưng vẫn nham nhở, gỉ sét. Chị Nguyễn Ngọc Lan, mẹ của cháu Lâm Gia Hân, 6 tuổi, nhà ở cạnh chợ Tân Định, cho biết: “Cháu nghỉ hè, ở nhà mãi cũng tội nên vợ chồng tôi tranh thủ đi làm về đưa cháu ra đây chơi. Đến công viên thì khó có bậc phụ huynh nào có thể từ chối trước sự háo hức của con. Còn an toàn hay không chỉ tùy hên, xui”.

Ở Thảo Cầm Viên, dù khu vui chơi dành cho thiếu nhi đã được quy hoạch, sắp xếp lại nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trang thiết bị của tất cả các trò chơi đều là đồ cũ được chuyển về từ Công viên Tao Đàn rồi sơn phết lại, đưa vào sử dụng. Tại khu chuồng nuôi voi, nơi thu hút rất đông trẻ em đến tham quan, chúng tôi hoảng hồn khi thấy nhiều phụ huynh cho trẻ con chui qua rào chắn, vào tận chuồng để cho voi ăn. Dù cạnh đó đã có bảng cảnh báo thú nguy hiểm nhưng phụ huynh vẫn ẵm trẻ leo rào vào, bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ.

Nhiều điểm vui chơi bị các mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Tại điểm giải trí thiếu nhi đối diện Sân vận động Thống Nhất, ngoài những xe hàng đẩy, tủ thuốc lá, rác... là bãi đỗ xe hơi chật như nêm. Thêm nữa, những thiết bị trò chơi quá đát với hệ thống điện không an toàn, chỉ cần lơ là một chút thì những đứa trẻ hiếu động có thể sẽ gặp tai họa.

Ngoại thành: Xài hàng đồng nát

Nhu cầu vui chơi của trẻ em rất lớn nên các dịch vụ luôn quá tải. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp đã có 3 điểm thú nhún tự phát. Trong đó có một điểm tận dụng khoảng đất trống bên cạnh vỉa hè để kinh doanh. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Công ty Sản xuất đồ chơi Thanh Bình, cho biết: “Đa phần khu vực ngoại thành đều xài hàng đã sử dụng mấy chục năm thải ra. Nhất là những dịch dụ tự phát, chỉ cần bỏ ra ít vốn là có thể có được 3-4 thứ trò chơi khiến trẻ em mê tít”.

Có mặt tại khu vui chơi dành cho trẻ em rộng gần 1.000 m2 dưới chân cầu Tham Lương, chúng tôi không khỏi lo ngại vì các trò chơi đã xuống cấp trầm trọng. Khu vui chơi này nằm sát cơ sở sản xuất thức ăn cho gia súc và thủy sản nên chất thải, nước thải tràn ra lênh láng. Mùi hôi thối, khói bụi bốc lên nồng nặc. Theo ông Ng.V.T, chủ khu vui chơi trẻ em này, ông bỏ ra 18 triệu đồng để mua trang thiết bị. Ngày thường, trẻ con trong khu phố đến chơi cả trăm em, cuối tuần và những dịp lễ thì đông vô kể. Khi chúng tôi đề cập vấn đề an toàn cho các cháu, ông tỉnh bơ: “Thấy người ta làm có ăn, tôi cũng làm, có ai hỏi đến đâu. Lúc nào tôi cũng có mặt ở đây, nếu có trục trặc máy móc thì cắt điện, xử lý liền”.

Tại khoảng sân trước của Nhà Văn hóa phường 27, quận Bình Thạnh, sân chơi dành cho thiếu nhi rất nhộn nhịp song cũng đầy bát nháo. Tuy không xa trung tâm TP nhưng đây là nơi tập kết những trò chơi điện tử quá đát. Những cỗ máy già nua, hoen gỉ. Hệ thống điện kéo bừa bãi trong sân. Ông Trần Yên, bố của một em đang chơi, cho biết: “Nhìn điện đóm, máy móc ở đây thấy cũng ớn, nhưng mấy đứa nhỏ cứ đòi chơi. Thôi thì đành nhắm mắt nhờ trời”.

Phải chăng vì quá bận rộn, không thể từ chối trước nhu cầu được vui chơi của con trẻ mà không ít phụ huynh chấp nhận sống chung với sự không an toàn? Điều gì sẽ xảy ra khi những đứa trẻ chưa đủ nhận thức và không lường được những hiểm họa đang chờ chực trước sự háo hức của các em?

Vui chơi sát trạm điện cao thế

Đến các quận-huyện 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh..., chúng tôi ghi nhận có rất nhiều điểm vui chơi tạm bợ. Nhiều nơi đặt trò chơi đu quay, xe lửa điện ngay trạm điện cao thế. Chị Nga, nhà cạnh một điểm vui chơi tự phát trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, lo lắng: “Mỗi khi trời có dông, gió lớn, thấy bọn trẻ chơi đùa chúng tôi rất sợ. Lỡ chập điện, phóng điện thì rất nguy hiểm”. Nhìn những chiếc xe lửa, đu quay chỉ cách trạm điện cao thế vài mét, chúng tôi không khỏi lo ngại.

Tương tự, điểm vui chơi tự phát tại ấp 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn cũng nằm cách trạm điện cao thế chừng vài mét; điểm trên đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân nằm sát dưới những dây điện to đùng, toòng teng.

Chơi xong, xuống tắm sông

img
Trẻ vô tư tắm sông ở khu vực cầu Bình Triệu. Ảnh: T.THANH

Trong khuôn viên dự án căn hộ Sunrise (đường Lê Văn Lương, quận 7) có rất nhiều trẻ em đến thả diều, vui chơi xong thường nhảy xuống rạch Bàng tắm. Theo người dân địa phương, tại rạch này năm rồi đã có trẻ chết đuối. Tương tự, ở khu vực hồ đá (làng ĐH Thủ Đức), chiều nào cũng có nhiều em nhỏ xuống tắm, bất chấp tình trạng chết đuối xảy ra rất nhiều ở đây.

Tại khu vực cầu Bình Triệu, trong những ngày nắng nóng, trẻ em tụ tập rồi rủ nhau xuống tắm, nô đùa rộn cả một khúc sông. Trò mà các em ưa thích là lấy đà nhảy từ trên cầu xuống sông. Có em bơi ra xa bờ một quãng mà không có phụ huynh trông coi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo