Hàng trăm tiểu thương tại chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) đã bày tỏ bức xúc vì ban quản lý chợ thu mỗi người 400.000 đồng để lắp WiFi. “Tất cả các tiểu thương dù lớn hay nhỏ, bán bất cứ mặt hàng nào cũng phải nộp khoản tiền này” - một tiểu thương nói.
Đóng đủ thứ tiền
Các tiểu thương cho rằng việc thu mỗi sạp 400.000 đồng để lắp WiFi là quá cao, chưa kể mỗi tháng họ phải đóng thêm một khoản tiền để sử dụng. Trong khi đó, nhiều người lớn tuổi bán ở các khu vực hàng rau dù không biết dùng điện thoại hay thiết bị điện tử nhưng cũng bị ban quản lý chợ thu một suất như những sạp khác.
“Tôi có sạp chỉ để chất hàng hóa hoặc các dụng cụ phục vụ buôn bán nhưng cũng phải đóng 400.000 đồng như các sạp buôn bán khác” - một tiểu thương bức xúc. Được biết, toàn chợ Bến Thành hiện có 1.447 sạp đang cho các tiểu thương thuê, nếu ban quản lý chợ thu đủ thì sẽ được gần 600 triệu đồng.
Theo nhiều tiểu thương, hằng tháng họ còn phải đóng từ 2-3 triệu đồng tiền điện - nước. Điều đáng nói là việc thu tiền điện ở đây không quy định theo đồng hồ riêng mà tính từng bóng đèn và thiết bị có liên quan đến điện. “Bình quân mỗi bóng đèn dù lớn hay nhỏ đều có giá điện từ 20.000 -30.000 đồng/tháng là quá cao” - một tiểu thương nói.
Ngoài ra, các tiểu thương cho biết trước đây, mỗi năm họ được miễn một tháng tiền điện - nước nhưng từ khi có ban quản lý mới thì không được miễn nữa. “Chưa hết, trước đó tiền thu điện - nước của chúng tôi còn dư 400 triệu đồng nhưng không thấy ban quản lý nói năng gì. Một số tiểu thương lên hỏi thì được trả lời là đã bỏ vào tiền lắp WiFi” - một tiểu thương phản ánh.
Có “thâm tình” nên được ưu đãi?
Tại cửa chính (cửa Nam) nằm ngay trước Ban Quản lý chợ Bến Thành là tủ bán đồng hồ lấn chiếm ra giữa đường đi, làm mất mỹ quan, an ninh của chợ. Tủ bán đồng hồ này là của một người tên Thanh hay còn gọi là Thanh “nậu”.
Nằm đối diện bên kia là cửa hàng bán đồng hồ cũng do người nhà của ông Thanh quản lý. Đặc biệt, trong ki-ốt này là đồng hồ điện cho cả chợ, cấm người lại gần vì có thể gây tai nạn. Trước đây, lực lượng PCCC đã xuống kiểm tra, khuyến cáo nhưng ban quản lý chợ vẫn bỏ ngoài tai.
Theo các tiểu thương, không chỉ khu vực cửa chính mà tại những vị trí “vàng” ở các cửa ra vào của chợ cũng đều được ban quản lý cho ông Thanh và một người khác tên Dũng hay còn gọi là Dũng “đồ xi” thuê, sau đó để người trong gia đình bán. Cụ thể, tại cửa Đông (phía đường Phan Bội Châu) là tủ bán đồng hồ của ông Thanh và tủ bán vỏ điện thoại, bao da, túi xách của ông Dũng được bày ra ngay hai bên đường đi, chắn ngang cửa sắt của chợ.
Nhiều tiểu thương lo ngại nếu có sự cố, người trong chợ ùa ra làm ngã tủ này thì không có lối để tháo chạy. Tại cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn), một bên là tủ bán túi xách của con trai ông Thanh và bên kia là nơi bán đồ của người nhà ông Dũng. Tại 2 cửa số 7 và 8 cũng là 4 điểm bán hàng của ông Thanh và ông Dũng.
“Sở dĩ ông Dũng “đồ xi” và ông Thanh “nậu” được ban quản lý chợ cho thuê những vị trí đắc địa nói trên và ngang nhiên bày tủ lấn chiếm ra hai bên đường tại các cửa ra vào để bán hàng vì họ có mối “thâm tình” với trưởng ban quản lý chợ là ông Lê Quang Thiện” - một tiểu thương cho biết.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân ở chợ này thường xảy ra những cuộc “chiến ngầm” vì hiện giá sang nhượng mỗi sạp là từ 180-200 lượng vàng nhưng không dễ gì có được. Tại những điểm bán ở các cổng ra vào, giá cao hơn nhiều lần.
Do lịch sử để lại (!?)
Trước những thắc mắc của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động có buổi làm việc với ông Lê Hoàng Định, Phó Ban Quản lý chợ Bến Thành. Ông Định cho biết việc thu 400.000 đồng là để xây dựng cổng thông tin điện tử của chợ nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập.
Về việc những vị trí “vàng” tại các cửa ra vào đều do ông Thanh và ông Dũng bán, ông Định lý giải: “Các vị trí của ông Dũng đều được sắp xếp trước khi ông Thiện về làm trưởng ban quản lý. Tất cả là do lịch sử để lại.
Trên thực tế, ông Dũng chỉ thuê một số điểm chứ không phải 15 điểm như các tiểu thương phản ánh. Riêng các điểm bán tại các cửa số 5, 7 và 13 thì do ông Dũng thấy trống nên đã liên hệ với ban quản lý chợ và được đồng ý cho thuê với giá 8 triệu đồng/điểm”.
Trong khi đó, các tiểu thương khẳng định tại các vị trí trên, nếu đưa ra đấu giá công khai thì sẽ có giá không dưới 50 triệu đồng/tháng. “Tất cả các vị trí mà ông Dũng đang bán đều được bố trí sau khi ông Thiện về làm trưởng ban quản lý” - một tiểu thương quả quyết.
Về thông tin để có các vị trí “vàng” nói trên, ông Dũng “đồ xi” đã tặng ông Thiện một chiếc ô tô 7 chỗ và ông Thanh “nậu” tặng ông Thiện 160 lượng vàng, ông Định khẳng định hoàn toàn không có. “Thực tế, ông Dũng có giới thiệu cho mẹ anh Thiện mua của người thân ông Dũng một chiếc ô tô với giá 450 triệu đồng. Anh Thiện chỉ là trưởng ban, quyền hành chả là bao thì làm gì có chuyện đưa đến 160 lượng vàng” - ông Định nói.
Chờ ý kiến của quận để giải quyết
Ông Lê Hoàng Định cho biết những thông tin liên quan đến ông Thiện mà người dân phản ánh đã được ban quản lý chợ báo cáo quận 1. “Hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của quận để tìm hướng giải quyết” - ông Định nói.
Đối với việc các ông Dũng “đồ xi” và Thanh “nậu” bày sạp bán lấn chiếm ra giữa đường, ông Định cho biết sẽ tiến hành dẹp bỏ để bảo đảm an toàn cho các tiểu thương và người dân.
Bình luận (0)