Xác định kiềm chế lạm phát là mục tiêu số 1 của năm 2011, ngày 24-2, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thắt chặt tiền tệ, tài khóa
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt nhấn mạnh hai giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Với chủ trương thực thiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ được hạn mức tối đa là 20% và nếu cần thiết, có thể giảm xuống 17%.
Tổng phương tiện thanh toán cũng được rút xuống với mức cung ứng tiền ra lưu thông khoảng 15%-16%. “Đây là mức thấp vì năm ngoái tăng trưởng tín dụng lên đến gần 31%, cung ứng tiền trong lưu thông khoảng 26% để hỗ trợ phục hồi kinh tế” – Phó Thủ tướng nhận định.
Chính sách tài khóa năm nay cũng được thắt chặt, cụ thể là tăng thu ngân sách Nhà nước 7%-8%, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.
Tất cả các khoản đầu tư có thể tạm dừng, tạm lùi đều được cắt giảm để tiết kiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhà nước cũng giảm đầu tư. Tất cả các biện pháp này sẽ khiến tổng đầu tư xã hội giảm từ 40%-41% xuống còn 38%-39%.
Theo thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng hiện còn giữ lượng
USD khá lớn. Trong ảnh: Kiểm đếm USD tại Eximbank. Ảnh: HỒNG THÚY
Liên quan đến vấn đề nóng hiện nay là tỉ giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ thực hiện nguyên tắc điều hành tỉ giá linh hoạt với thị trường; huy động các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỉ giá; dứt khoát không thả nổi, không để thị trường chợ đen chi phối.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng đô la hóa đang diễn ra công khai trên thị trường, đến mức “mua thịt cũng tính bằng USD”.
Các đại lý thu đổi ngoại tệ nếu vi phạm phải rút giấy phép và xử lý theo pháp luật. Đối với thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu phải có chính sách quản lý phù hợp, chống hiện tượng buôn lậu vàng.
Giảm dần lãi suất
Theo nghị quyết của Chính phủ ban hành ngày 24-2, thắt chặt chính sách tiền tệ, hãm tiền ra ở cả kênh tín dụng và lưu thông nhưng vẫn bảo đảm không thiếu vốn cho sản xuất. Dư nợ tín dụng sẽ ưu tiên cho nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn về vốn vì với lãi suất cao như hiện nay, các doanh nghiệp đang kêu cứu.
Các ngân hàng thương mại phải cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Lưu ý vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu khả năng khống chế lương, thưởng của ngân hàng giống như các nước đã làm vì thưởng của các ngân hàng vẫn rất cao.
Riêng về khả năng giảm lãi suất, Thủ tướng cho rằng chưa thể giảm ngay nhưng Ngân hàng Nhà nước phải giảm dần lãi suất một cách hợp lý để sử dụng lãi suất như một công cụ kiềm chế lạm phát hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đạt 4,2 tỉ USD do tất cả các mặt hàng đều được giá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là thời cơ tốt để Việt Nam tranh thủ tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản là thế mạnh của mình.
“Bộ NN-PTNT nhanh chóng tăng sản lượng 200.000 ha trồng lúa ngay trong vụ hè thu năm nay để có thể tăng được 1 triệu tấn lúa, trực tiếp tăng nguồn thu cho nông dân, góp phần tăng GDP và ổn định an sinh xã hội cho đất nước” - Thủ tướng chỉ đạo.
Bảo đảm an sinh xã hội
Chính phủ khẳng định nguồn tài chính từ thắt chặt tín dụng, tài khóa sẽ được dành cho công tác an sinh xã hội và các công trình đầu tư thiết yếu của nền kinh tế.
Để bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ có thêm các biện pháp mới như nhóm dạy nghề giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng...
“Cả nước hiện có hơn 3,1 triệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Trước mắt, Bộ LĐ-TB-XH sẽ sớm có hướng dẫn việc hỗ trợ 30.000 đồng/tháng đối với các hộ theo cơ chế giá điện mới. Số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đối tượng thụ hưởng nhiều và nằm rải rác trong cả nước nên cần có sự tham gia của chính quyền các địa phương” – bà Ngân nói.
7 giải pháp kiềm chế lạm phát
- Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng.
- Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước.
- Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.
- Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo.
- Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.
- Tổ chức thực hiện.
(Nguồn: Nghị quyết của Chính phủ, ban hành ngày 24-2) |
Đại diện một số địa phương như TPHCM, Hải Phòng, Đắk Lắk đề xuất Chính phủ cho phép trừ thẳng 30.000 đồng/hộ khi thu tiền điện vì các địa phương đã nắm được danh sách đối tượng được thụ hưởng và có đủ điều kiện làm, tránh phải “đi lòng vòng”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết số hộ sử dụng điện dưới 100 KWh đầu chiếm 60% tổng số hộ tiêu dùng điện, trong đó 30% là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp.
Nếu theo phương pháp trợ giá cũ, đối tượng này gần như bị thiệt vì tất cả đều được bù giá 50 KWh đầu tiên. Còn theo cách hỗ trợ mới, mỗi hộ sử dụng dưới 50 KWh trong 3 tháng sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng. Như vậy, cả hai đối tượng là người nghèo và người thu nhập thấp đều được hỗ trợ về giá điện với mức lần lượt là 60% và 29% lượng điện sử dụng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chỉ trong 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng 3,79% và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2010.
Lạm phát cao đang đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. “Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải tập trung mọi giải pháp kiềm chế cho được lạm phát. Cuộc họp trực tuyến tiếp theo sẽ được tổ chức trong tháng 3 và sau đó thực hiện hằng quý để kịp thời rút kinh nghiệm trong điều hành” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thắt chặt tiền tệ không ảnh hưởng đến tăng trưởng
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ không ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Việt Nam là nền sản xuất nhỏ, đại bộ phận doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Nếu tính thanh khoản của tín dụng tốt, tăng trưởng GDP vẫn có thể bằng hoặc cao hơn năm 2010. Mục tiêu tăng trưởng 7% vẫn có thể đạt được” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ không dùng biện pháp hành chính mà sẽ có biện pháp điều hành làm cho đồng tiền thông thoáng, tạo tính thanh khoản bình thường.
Hiện nay, số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỉ USD nhưng tình hình ngoại tệ lại căng thẳng. Doanh nghiệp giữ USD không bán vì sợ ngân hàng lại điều chỉnh tỉ giá.
Do vậy, ngân hàng phải minh bạch, tạo ra sự bình ổn, doanh nghiệp tin thì họ sẽ bán ngoại tệ. “Tôi đã làm việc với đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), họ nói Việt Nam còn dư 2,5 tỉ USD - 3 tỉ USD tổng lượng tiền cung so với cầu, tại sao lại để âm?”.
P.Anh |
Bình luận (0)