xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Kiểm duyệt” cua đá

QUANG VINH

Sau khi đánh bắt, cua đá ở Cù Lao Chàm phải qua các bước kiểm tra kỹ lưỡng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường

Đó là cách làm để bảo vệ loài cua đá của người dân xã Tân Hiệp (còn gọi là Cù Lao Chàm), TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhờ vậy, loài cua đá Cù Lao Chàm không chỉ tránh nguy cơ tuyệt diệt mà ngày càng được nâng tầm thương hiệu.

Bán cua “chui”, bị phạt nặng

Sáng sớm, căn nhà của ông Trần Công, Tổ trưởng Tổ Khai thác và Bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm (gọi tắt là tổ cua đá), nhộn nhịp tiếng cười nói của những thợ săn cua. Những con cua đá màu tím sau một đêm săn bắt được đưa đến nhà ông Công để kiểm tra, dán nhãn sinh thái.

Cua đá phải có mai dài trên 7 cm mới được dán nhãn bán ra thị trường Ảnh: HIỀN LOAN
Cua đá phải có mai dài trên 7 cm mới được dán nhãn bán ra thị trường Ảnh: HIỀN LOAN

Theo quy định, cua đá có chiều ngang mai trên 7 cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường; còn những con không đủ tiêu chuẩn sẽ bị giữ lại và được phóng thích về lại môi trường tự nhiên.

“Nhãn sinh thái rất khó bong tróc và sẽ theo con cua lên dĩa đến với người ăn. Bất cứ người dân hay nhà hàng nào bán cua không được “kiểm duyệt” đều bị xử phạt rất nặng, thậm chí tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm” - ông Công khẳng định.

Ông Công cho biết trước đây, cua đá vốn có rất nhiều ở Cù Lao Chàm. Giống cua này sống ở các hang đá giữa 2 môi trường biển đảo và rừng, cần điều kiện ẩm. Cù Lao Chàm là nơi sinh trưởng tốt của giống cua này khi toàn xã đảo có 1.500 ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, từ khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, bắt đầu phát triển du lịch thì loài cua đá cũng nguy cấp do nhu cầu của thực khách tăng cao, người dân khai thác vô tội vạ. TP Hội An đã triển khai nhiều biện pháp, kể cả ra chỉ thị nghiêm cấm việc khai thác, vận chuyển song cua đá vẫn bị đe dọa do khâu quản lý lỏng lẻo.

Đến năm 2013, từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), TP Hội An và Hội Nông dân xã Tân Hiệp triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm”. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, hội thảo…, Tổ Cộng đồng Khai thác và Bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm được thành lập.

Từ 18 thành viên ban đầu, đến nay đã có trên 40 người tham gia tổ cua đá. Ngoài quy định về kích thước, các thành viên trong tổ cua đá không được bán với giá thấp hơn niêm yết. Thành viên hoặc người trong hộ gia đình bán cua phải mặc đồng phục. Cua đá khi bán phải có nhãn và được giữ trong lồng có logo, khẩu hiệu “Cua đá không dán nhãn là bất hợp pháp”.

Để tránh mùa sinh sản, thời gian được phép bắt cua đá là từ ngày 1-3 đến 31-7 hằng năm. Số nhãn phát ra được điều chỉnh theo từng tháng và không quá 10.000 nhãn/năm. Tổ cua đá có nhiệm vụ tuần tra, giám sát trường hợp cua không dán nhãn tại các nhà hàng phục vụ khách du lịch ở Cù Lao Chàm. “Ban đầu triển khai vẫn gặp một số khó khăn nhưng đến nay, dường như những quy định này đã đi vào ý thức của người dân Cù Lao Chàm” - một thành viên tổ cua đá cho biết.

Cộng đồng hưởng lợi

Theo TS Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” - từ lúc người dân Cù Lao Chàm triển khai mô hình, quá trình giám sát cho thấy cua đá đã có khả năng phục hồi trở lại bình thường. Mới đây, ban quản lý cũng phối hợp với ĐH Huế tính toán trữ lượng cua đá tại Cù Lao Chàm và xác định số lượng hiện tại nằm trong giới hạn cho phép.

“Đây là dấu hiệu rất đáng mừng bởi trước đó, các nhà khoa học tính toán nếu tốc độ khai thác tự do khoảng 50.000 con/năm thì loài này sẽ bị tuyệt diệt ở Cù Lao Chàm” - TS Trinh cho biết.

Hiện nay, cua đá được bán cho các nhà hàng ở địa phương với giá trên 800.000 đồng/kg, khi lên bàn ăn có giá từ 1,3 triệu đồng/kg trở lên. Tuy giá đắt nhưng số lượng cua bán ra không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Theo TS Trinh, mô hình cua đá được triển khai không những bảo vệ loài này mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Nếu như trước đây, người dân bán cua với giá chỉ 200.000 đồng/kg và thường bị tư thương ép giá thì từ khi mô hình ra đời, giá bán tối thiểu được quy định là 500.000 đồng/kg vào năm 2013, năm 2014 được nâng lên 750.000 đồng/kg và hiện nay là 800.000 đồng/kg.

“Chúng tôi đang hoàn thành công đoạn nghiên cứu cuối cùng và sang năm sẽ kêu gọi người dân tiếp tục tham gia mô hình khai thác bào ngư theo kích cỡ bởi loại hải sản này cũng đang bị khai thác quá mức” - TS Trinh tiết lộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo