Đó là khẳng định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2011 diễn ra ngày 29-4.
Đã kiểm soát được một số lĩnh vực
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại cuộc họp thường kỳ diễn ra trong hai ngày 28 và 29-4, Chính phủ đã nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 11, nghe báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết chống tham nhũng, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước, tình hình tổ chức bầu cử và một số dự án luật...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội được tập trung đồng bộ trong cả nước, giúp kinh tế có những diễn biến tích cực. Các cân đối vĩ mô đã ổn định, đặc biệt là đã kiểm soát được một số lĩnh vực như vàng, ngoại tệ và giảm đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý với quan điểm của các bộ, ngành là không cần bổ sung giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ cần tăng chính sách an sinh xã hội. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc bổ sung một số đối tượng được xem xét trợ cấp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cao. Đó là công nhân lao động ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đặc biệt là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chiến sĩ lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên.
Không thả nổi giá
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận lạm phát tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã ở mức rất cao, tương ứng là 3,32% và 9,64%; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả trong nước, ngoài nước để có biện pháp điều hành thích hợp.
Trước lo ngại của dư luận về giá cả tháng 4 tăng đột biến, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân tích: Nguyên nhân tăng giá là do chi phí tăng khi thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than. Bên cạnh đó, còn có sức ép từ việc tăng tỉ giá và tăng lương tối thiểu từ đầu năm. Giá tăng một phần còn do tác động tâm lý, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiểm soát vấn đề này. Trong các đợt điều chỉnh vừa qua, giá than mới tăng 5% so với mức tăng 50% để theo cơ chế thị trường, giá điện mới tăng hơn 15% so với mức tăng cần thiết là 40%, giá xăng dầu cũng mới điều chỉnh một bước.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định việc điều hành giá theo cơ chế thị trường vẫn tiếp tục được thực hiện cho các mặt hàng nói trên nhưng có lộ trình phù hợp, không thả nổi. Song đến lúc nào đấy, phải chấp nhận mặt bằng giá mới để bảo đảm hạch toán minh bạch.
Chờ sửa Luật Thuế TNCN
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết chưa thể khẳng định được thời điểm sửa luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vì đây là thẩm quyền của Quốc hội. Trong phiên họp Chính phủ tháng 3, vấn đề này đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Quan điểm của Bộ Tài chính trong vấn đề sửa luật thuế TNCN là phải tháo gỡ khó khăn cho đúng đối tượng, đồng thời vẫn phải điều tiết đối với những người có thu nhập cao. Theo Luật thuế TNCN hiện hành, những người có thu nhập trung bình trở lên mới phải nộp thuế này.
Đối tượng thường xuyên nộp thuế hiện nay là 650.000 người trên tổng số 86 triệu dân. Trong đó, có khoảng 20% là người nước ngoài nhưng chiếm 80% tổng số thuế TNCN. |
Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 31,8 tỉ USD, nhập siêu gần 4,9 tỉ USD bằng 18,2% kim ngạch xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt trên 270.500 tỉ đồng, tăng 14,2%....(Nguồn: Bộ Kế hoạch - Đầu tư) |
Bình luận (0)