Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đặt câu hỏi cho lãnh đạo các sở, ngành liên quan tại cuộc họp báo cáo tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2015 của TP này vào sáng 6-5.
Giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng báo cáo trên địa bàn chỉ xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 163 người mắc. Tuy nhiên, qua 36.304 lượt thanh - kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 2.038 cơ sở vi phạm, nổi bật là không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm điều kiện bảo quản, hết hạn sử dụng; vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch, thịt không có dấu kiểm soát giết mổ...
Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố đáng sống” nhưng hẳn người Đà Nẵng sẽ giật mình khi nghe lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận tại cuộc họp này rằng ngoài sở, giấy chứng nhận các cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn do các quận, huyện và phường, xã cấp. Thế nhưng, UBND các cấp chỉ đủ khả năng kiểm tra giấy tờ chứ không đủ công cụ và phương tiện để kiểm tra mẫu thức ăn có an toàn hay không.
Như vậy, sau những cơn sốc của người tiêu dùng trước việc sử dụng tràn lan các chất salbutamol, clenbuterol hay thuốc an thần… trong thực phẩm thì công bố của Đà Nẵng còn cho thấy ngoài những loại như thức ăn đường phố hay ngành hàng thịt chó, ngay cả khi các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm rồi cũng khó mà yên tâm. Yên tâm sao được khi quận, huyện và phường, xã chỉ cấp thông qua kiểm tra giấy tờ chứ không đủ công cụ và phương tiện để kiểm tra mẫu thức ăn có an toàn hay không? Làm sao tin được sản phẩm của những cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP “trên giấy” là sẽ an toàn cho người tiêu dùng?
Từ chuyện của Đà Nẵng mới thấy với cách kiểm soát ATTP như hiện nay, người tiêu dùng khó yên tâm. Mới đây, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP tổ chức ngày 27-4, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định trên thị trường không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm có chứa salbutamol. Thậm chí, ông Việt còn lạc quan cho rằng hầu hết nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì hội nghị nêu trên đã thẳng thắn yêu cầu các địa phương không nói đến thành tích làm được cái này, cái kia nữa. Thay vào đó, cần tập trung nêu những vướng mắc để đưa ra biện pháp thực thi tốt nhất; phải thay đổi cách tiếp cận cho rõ hơn để có hiệu quả.
Người dân luôn trông cậy vào những con số báo cáo từ cơ quan chức năng nhưng với lĩnh vực ATTP, các con số báo cáo đôi khi không mấy ý nghĩa để người tiêu dùng yên tâm đặt niềm tin.
Bình luận (0)