Năm nay, một số địa phương đã vào cuộc để “làm phận sự” trong việc chấn chỉnh, dọn rác lễ hội. Một vài biểu hiện có thể thấy ngay được trong việc chấn chỉnh lễ hội: Không còn nghi thức chém lợn giữa sân đình Ném Thượng (Bắc Ninh) hay mới đây, chỉ cần việc một vị sư tự ý phát lộc sau lễ khai hội chùa Hương gây ra cảnh chen lấn hỗn loạn thì đã bị buộc phải sám hối…
Chính quyền địa phương, cụ thể là các cơ quan quản lý văn hóa, cảm thấy có trách nhiệm, can thiệp vào lễ hội là việc cần làm để hạn chế những hủ tục không còn phù hợp với tinh thần cuộc sống hiện đại; khống chế những xu hướng phát sinh cực đoan khiến lễ hội xa rời những thông điệp, triết lý tốt lành. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng sự can thiệp mang tính hành chính chỉ nhất thời, những can thiệp trực tiếp không thể giải quyết được gốc rễ. Chưa nói, có những mệnh lệnh hành chính nếu áp đặt duy ý chí cộng với sự thiếu thấu đáo về nhãn quan văn hóa thì sẽ dễ gây ra những tổn thương, mất mát trong sinh hoạt tinh thần cộng đồng. Đã có hiện tượng việc thay kịch bản của nhà quản lý vào lễ hội dân gian gây ra sự phản cảm.
Vì thế, trong những chấn chỉnh các biểu hiện, phái sinh phản cảm của lễ hội, rất cần sự tham vấn của các chuyên gia văn hóa có uy tín và trách nhiệm để các nguyên tắc đưa ra thuyết phục cao và được người dân thấy tốt đẹp mà thực thi.
Sự xung đột giữa hệ quy chiếu văn minh có tính thức thời với các giá trị phong tục truyền thống xảy ra ở nhiều vùng miền, quốc gia, không riêng gì tại Việt Nam. Việc kết nối những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống với môi trường hiện đại chỉ có thể diễn ra trong một bối cảnh tinh thần xã hội ổn định, những giá trị tốt đẹp được coi trọng, cái xấu tự khắc bị đào thải, truất hữu. Khi người dân tin vào điều tốt lành, sống yên ổn làm chủ thực tại thì sự mê tín sẽ không có lý gì tồn tại. Đời sống tâm linh lúc bấy giờ chỉ giúp người ta hướng thiện để trở nên cao cả, bao dung, để hài hòa tha nhân, nhất quán trong nhân tâm.
Bởi lễ hội là của người dân, cộng đồng nên việc điều chỉnh hình thái lễ hội bền vững nhất vẫn nằm ở chính nơi người dân. Khi tâm thế sống an lành, lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian trở thành nơi giữ gìn ký ức cộng đồng, giúp cho tâm hồn con người thanh cao và dĩ nhiên, miễn nhiễm với những xu hướng thực dụng, bạo lực, trần tục cực đoan làm phương hại đến không gian tinh thần chung.
Việc ra những quy định hành chính thuyết phục, thấu đáo, đắc nhân tâm chỉ là một phần của vấn đề. Vấn đề quan trọng mang tính nền tảng của nhà chức trách là kiến tạo một xã hội lành mạnh mà ở đó, mỗi thành viên cộng đồng biết cách chọn lựa phương thức biểu hiện đời sống tâm linh, văn hóa một cách đúng mực, tinh giản và không chỏi lạc với tinh thần tiến bộ của thế giới bên ngoài.
Bình luận (0)