xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Kiến trúc sư” công cuộc đổi mới

DUY QUỐC - PHAN ANH

“Đồng chí Võ Văn Kiệt là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, tài đức, một nhà lãnh đạo xuất sắc; một trong những người lãnh đạo mà trong thời chiến cũng như thời bình luôn có mặt ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, “đứng mũi chịu sào” để giải quyết những khúc quanh của lịch sử”.

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhận xét về người anh, người tiền nhiệm của mình như vậy tại hội thảo khoa học “Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”, do  Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long và Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 17-11 tại TPHCM, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (23.11.1922 - 23.11.2012).
 
img
Các ðại biểu trao ðổi về cuộc ðời và sự nghiệp của Thủ tuớng Võ Vãn Kiệt tại hội thảo
Ảnh: PHAN ANH

“Chạy gạo” cho dân

Sau ngày 30-4-1975, từ một nhà lãnh đạo kháng chiến xuất sắc, ông Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ đã 53 tuổi, trở thành người đứng đầu chính quyền TPHCM. Cái tên Sáu Dân, bí danh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trở nên thân thuộc với người dân TP và cả nước.

Bằng sự nể phục dành cho người lãnh đạo cao nhất TPHCM thời kỳ sau giải phóng, ông Hải nhìn nhận: “Với tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tìm lối ra cho sản xuất và đời sống, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, có những cách suy nghĩ, tìm tòi cái mới để chỉ đạo, tháo gỡ những ràng buộc của cơ chế cũ”.

Ông Hải còn nhớ những năm sau giải phóng, có lúc dân TPHCM ngấp nghé nạn đói mặc dù đồng lúa miền Nam chín vàng. Cơ chế khi ấy rất cứng nhắc. Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho TP nhưng chưa bao giờ lo đủ và kịp thời. Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thị trường, dân ĐBSCL không chịu bán với giá nghĩa vụ, trong khi TP có tiền để mua với giá thỏa thuận thì không được chấp nhận.
 
Trước tình hình đó, ông Kiệt đã trăn trở rất nhiều và triệu tập cuộc họp tại nhà riêng để tìm cách tháo gỡ. Giải pháp được đưa ra là TP xuất tiền cho cá nhân bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP, xuống các tỉnh mua gạo với giá thỏa thuận. Bà Ba Thi mua không khác gì tư thương nên người ta gọi đùa tổ mua gạo của bà là tổ buôn lậu gạo. Bà Ba Thi nói với Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt: “Làm cách này thì chúng tôi làm được nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. Ông Kiệt vừa cười vừa nói: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi…”.

Bằng sự quyết đoán ấy, ông Kiệt đã mạnh dạn “bật đèn xanh”, bảo lãnh cho những phát kiến hợp lý dù chưa hợp pháp lúc bấy giờ. Ở miền Nam khi đó, ông Kiệt có vai trò như một chiếc “xe tăng”,  “đỡ đạn” cho những người “xé rào” và chịu “xé rào” vì lợi ích chung.

Dám nói, dám làm

Nhắc đến đường dây 500 KV Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã dành cho Thủ tướng niềm kính trọng vô bờ bến. Đường dây 500 KV là chủ trương có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí khi đưa ra Quốc hội, có một vị tiến sĩ phản đối rằng trên thế giới chẳng nước nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 km. Có người còn cho rằng ông Kiệt là người miền Nam nên “thiên vị”, đưa điện từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, ông Kiệt vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm làm cho bằng được công trình này, bởi chỉ có điện mới góp phần thay đổi được bộ mặt nông thôn, lợi cho dân, cho nước. Ông Bùi Quang Huy, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhớ lại hôm họp Quốc hội bàn về công trình này, trước hàng loạt ý kiến băn khoăn, ông Kiệt đã tự tin trả lời rành rọt tầm quan trọng, ý nghĩa và tính cấp bách của việc phải làm, rồi khẳng khái: “Với tư cách là Thủ tướng Chính phủ, tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm trước quốc dân, đồng bào, xin Quốc hội yên tâm”. Sự thẳng thắn, tự tin của  ông đã thuyết phục, giải tỏa được băn khoăn của nhiều đại biểu, lãnh đạo cấp cao.

 Kể thêm về đường dây 500 KV gắn liền với cuộc đời của người từng đứng đầu Chính phủ, ông Lê Phước Thọ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhớ rõ như in hình ảnh vị thủ tướng bình tĩnh, vô tư, không định kiến trước những ý kiến phản đối, thậm chí đòi kiểm điểm, kỷ luật ông.  Với ông Thọ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhân cách lớn, một tấm gương cách mạng ngời sáng. “Tôi yêu quý và kính trọng anh vì anh là một trong những lãnh đạo cấp cao có bản năng độc đáo; là con người hành động, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tài năng, đức độ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm”- ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Sáu Dân trong lòng dân

Trải lòng về “nhà lãnh đạo kiệt xuất của thời kỳ đổi mới”, GS Trần Hiếu Đức, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng dù ở vị thế nào trên con đường của mình, từ người chiến sĩ cách mạng thời trai trẻ đến cương vị thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt luôn có niềm tin sâu sắc: Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Niềm tin ấy giúp ông đến gần với dân hơn.

Cuộc đời ông Sáu Dân gắn liền với những năm tháng lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo dân, được dân cưu mang, che chở nên thấu hiểu được nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ: Sau độc lập tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông cũng học được nhiều ở trí tuệ người dân. Họ không biết lý luận nhưng có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng.
 
Niềm tin đó càng được củng cố sâu sắc thêm qua lời căn dặn của Bác Hồ “nhân dân rất thông minh”, một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền “được lòng dân”. Điều đó đã tạo cho ông niềm tin và lòng dũng cảm để trở thành “tướng xé rào” ngay từ trong chỉ đạo đấu tranh vũ trang sau Hiệp định Paris rồi đến cả trong thời bình.

Trong tâm trí, GS Đức nhớ mãi về sự phát triển năng động của đời sống kinh tế đã gây cho một số người nỗi lo chệch hướng. Nghe ông Lý Quang Diệu nói: “Năm 1975, TPHCM có thể cạnh tranh ngang ngửa với Bangkok - Thái Lan, còn năm 1992, tôi nghĩ có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm”, ông Kiệt cảm thấy đau nhói trong tim. Ông không sợ chệch hướng mà chỉ lo đất nước tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực. Rồi ông chỉ ra rằng nguy cơ chệch hướng thật sự đó là lạm dụng quyền lực để làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, cửa quyền, tiêu xài lãng phí…

 “Đáng buồn là những cảnh báo sớm của ông về sự chệch hướng ấy nay đã hiện hữu trầm trọng như một quốc nạn mà vẫn chưa đẩy lùi được”- GS Đức băn khoăn.
 
 
Tên tuổi của Thủ  tướng Võ Văn Kiệt thường gắn với những công trình lớn. Nhiều công trình mang dấu ấn của ông từ khi ra quyết định, thi công cho đến lúc phát huy tác dụng, đặc biệt là công trình đường dây tải điện 500 KV.
 

GS -TS TẠ NGỌC TẤN, GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN
CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH:

Gắn bó máu thịt với nhân dân

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng. Bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước. Trong gần suốt 70 năm phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp cách mạng, dấu ấn Võ Văn Kiệt trải khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, đóng góp của đồng chí cho Đảng, cho dân tộc là vô cùng to lớn.

THƯỢNG TƯỚNG TRẦN ĐẠI QUANG,
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN:

Luôn có ý tưởng lớn, táo bạo

Cuộc đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh chống ngoại xâm đầy gian khổ, hào hùng; với sự nghiệp đổi mới đầy chông gai, thử thách nhưng rất đỗi vẻ vang và tự hào của Đảng và nhân dân ta. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, với tầm nhìn xa trông rộng, vì nước, vì dân, ông luôn có những  ý tưởng lớn, táo bạo trong chỉ đạo và điều hành kinh tế - xã hội. Thực tiễn đã chứng minh những quyết sách đúng đắn, mang tầm chiến lược của ông đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Với ngành công an, những chỉ đạo của ông đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân noi theo.

ÔNG PHẠM BÌNH MINH,
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO:

Tạo tiền đề cho vị thế  Việt Nam

Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, chúng ta càng biết ơn những công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, của dân lên trên lợi ích bản thân. Với tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một “kiến trúc sư” của đổi mới. Những đóng góp to lớn của ông đã góp phần phá bao vây cấm vận, đưa Việt Nam hội nhập với thế giới, tạo tiền đề để chúng ta có vị thế xứng đáng như ngày hôm nay.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo