Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài và UBND TP HCM tổ chức đã diễn ra vào ngày 12-11 tại TP HCM, với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Hơn 500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự nhằm hiến kế góp phần phát triển TP.
Nguồn lực quan trọng
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đây là hội nghị lớn lần đầu tiên tổ chức riêng cho TP HCM, thể hiện mong muốn không chỉ của TP mà là cả nước đưa TP đi đầu trong quá trình mở cửa và hội nhập. Sự kiện này nhằm thu hút trí tuệ và nguồn lực quý báu của kiều bào góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cả dân tộc, luôn mang trong mình lòng yêu quê hương, là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, là nguồn lực quan trọng đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, TP đã thể hiện quyết tâm quy tụ và huy động mọi nguồn lực, trong đó có kiều bào, nhằm đạt mục tiêu xây dựng và phát triển TP giai đoạn 2015-2020, tập trung thực hiện các chương trình đột phá của TP. Trong những năm qua, TP luôn giữ vị trí đầu tàu, là trung tâm quy tụ động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; nơi hoạt động kinh tế năng động nhất. Đây cũng là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi đối với kiều bào, thể hiện sinh động qua việc thu hút số lượng kiều hối rất lớn (chiếm 50% tổng số kiều hối của cả nước). Lực lượng trí thức, nhà khoa học, doanh nhân kiều bào đã, đang tích cực tham gia góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển TP. Dù vậy, việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển của TP vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng tri thức, kinh nghiệm quốc tế và nguồn tài chính quan trọng mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã tích lũy.
Phát triển đô thị thông minh
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hằng năm có từ 300.000-500.000 lượt kiều bào về thăm gia đình, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó hơn 80% lưu lại TP. Hiện các doanh nghiệp có vốn của kiều bào đầu tư tại TP chiếm hơn 80% trong tổng số 1.110 doanh nghiệp có vốn kiều bào cả nước, với tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỉ USD. Các dự án của kiều bào trong nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, trung tâm thương mại... góp phần giúp hệ thống hạ tầng, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Đặc biệt, từ năm 1993-2015, lượng kiều hối chuyển về TP khoảng 50 tỉ USD và nhiều năm nay, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước nhận kiều hối cao nhất.
GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp, cho rằng TP có đầy đủ các tiềm năng để phát triển thành một TP bền vững, trong đó TP thông minh là giai đoạn đầu. Một TP bền vững phải được thiết kế để nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc nắm bắt chính xác các quy luật quan hệ tương tác giữa con người với các yếu tố môi trường...
Để phát triển đô thị thông minh, theo nhiều Việt kiều, TP cần chọn lọc những ý tưởng, không nhất thiết phải mua những thiết bị hiện đại đắt tiền về áp dụng là thành TP thông minh mà cần gắn liền với hiệu quả phát triển kinh tế. Các lĩnh vực nên tập trung là: quản lý giao thông, giải quyết ách tắc giao thông mà đô thị thông minh với hệ thống cảnh báo sớm là rất quan trọng, như cảnh báo về khả năng ngập lụt để người dân biết sớm và có giải pháp ứng phó. Hay trong việc giảm kẹt xe, không hẳn là hướng tới cấm xe máy hay ô tô mà quan trọng là sớm xây dựng hệ thống giao thông công cộng để người dân có thể đi tới mọi nơi mà không cần dùng phương tiện cá nhân, tăng hiệu quả kinh tế đô thị.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết TP mong muốn kiều bào hỗ trợ hoặc thực hiện liên kết đào tạo, xây dựng các mô hình, phương thức đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế ngay tại TP. Đây là biện pháp giúp đưa du học sinh về đào tạo ngay trong nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm chi phí đào tạo, giúp học sinh TP tiếp cận chương trình giáo dục hiện đại; hỗ trợ nâng cao trình độ giáo viên, giảng viên tiếng Anh; hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá trình độ giáo viên, giảng viên.
Khẩn trương triển khai chương trình hành động
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của kiều bào và khẳng định sau những ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp là tấm lòng sâu nặng với quê hương của kiều bào. Tâm huyết của bà con về các vấn đề quản lý rủi ro, ngập lụt, ách tắc giao thông, TP khởi nghiệp cho đến các vấn đề đổi mới sáng tạo, khuyến khích đầu tư... là những ý tưởng rất tốt trong góp phần xây dựng chính sách của Việt Nam.
“Tôi đánh giá cao những nỗ lực, mọi đóng góp dù lớn hay nhỏ của kiều bào hướng về Tổ quốc trong thời gian qua” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ đang khẩn trương triển khai chương trình hành động đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát huy nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng giao các địa phương nghiên cứu chủ động tạo các kênh, diễn đàn khả thi, thực chất để có thể tiếp thu và phản hồi những góp ý, ý kiến và lắng nghe bà con kiều bào.
Mở nhiều diễn đàn hơn nữa
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài. Tại buổi gặp, các kiều bào đã thẳng thắn trao đổi, góp ý với Thủ tướng về những vấn đề hệ trọng và đưa ra nhiều giải pháp liên quan trực tiếp đến những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đi tắt đón đầu sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ 4; mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Đáng chú ý, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, cho rằng nhà nước cần hạn chế việc đảo nợ, giãn nợ vì phương thức này không thực sự đem lại hiệu quả thực chất mà còn có thể để lại gánh nặng cho thế hệ sau. Vì thế, Chính phủ cần có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng GDP tối thiểu ở mức 7% để có nguồn lực trả nợ. Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Đỗ Chí, Việt kiều Mỹ, cho biết đã soạn thảo một chương trình quy mô tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam để tham vấn cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sáng kiến táo bạo của các trí thức Việt kiều; khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến và giao Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương mở thêm nhiều diễn đàn hơn nữa để các trí thức Việt kiều tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.
H.Triều – L.Duy
Ông David Ngô - Việt kiều Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Global WiFi:
Chúng tôi đã sẵn sàng!
Để xây dựng TP thông minh không cần lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài mà ngay các kiều bào cũng có thể làm được, nhất là khi chúng ta có thể làm chủ phần mềm để xây dựng TP thông minh. TP thông minh là sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ hạ tầng, công nghệ thông tin và nhiều yếu tố khác liên quan tới thái độ, hành vi, sự hiểu biết của người dân trong một TP. Chúng tôi đã sẵn sàng để góp sức xây dựng TP thông minh nhưng cần sự hỗ trợ về hạ tầng và chính sách của TP, nếu Chính phủ và TP sẵn sàng thì chúng tôi hành động.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Mọi người đều có cơ hội sống tốt
Việc đánh giá TP đáng sống nên theo hướng mọi người dân đều có cơ hội và chất lượng cuộc sống tốt. Điểm quan trọng là xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho mọi người dân có thể được hưởng miễn phí. Hướng đến xây dựng TP hàng đầu cần phát triển văn hóa kinh tế cộng đồng vì TP có tới 300 năm lịch sử phát triển. Cần đặt nặng vấn đề bảo tồn những giá trị lịch sử đô thị và giá trị cộng đồng như khu trung tâm TP, các không gian kiến trúc Pháp, phố người Hoa.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Việt kiều Canada, Giám đốc chiến lược Tập đoàn VNPT:
Trải thảm đỏ thu hút trí thức
TP cần tận dụng một chiến lược mà nhiều nơi đã thành công là chiến lược định vị trung tâm để trở thành trung tâm của khu vực. Muốn vậy, cần tận dụng thật tốt những ý tưởng khoa học mới nhất, nhìn thẳng vào các hạn chế, tạo môi trường cho thế hệ doanh nhân trẻ phát triển. Chính phủ đang đặt ra những mục tiêu lớn, trong đó có câu hỏi là đi bằng cách nào để thành công? Như Singapore, họ biết cách thu hút nguồn lực tri thức, nếu chúng ta trải thảm đỏ thu hút các nguồn lực tri thức cùng với địa chính trị của Việt Nam rất tốt sẽ là cơ hội lớn rất lớn để phát triển.
Bình luận (0)