Thời gian qua, ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt xa bờ ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Tây Nam liên tiếp bị tàu nước ngoài bắt, giam giữ, tịch thu phương tiện và tài sản.
Cụ thể, năm 2005 có 7 tàu với 75 ngư dân, năm 2006 có 10 tàu với 104 ngư dân, năm 2007 có 23 tàu với 215 ngư dân, năm 2008 có 26 tàu với 227 ngư dân, quý I/2009 có 8 tàu với 93 ngư dân.
Hiện tại vẫn còn 15 tàu và 46 ngư dân đang bị nước ngoài giam giữ, cụ thể: Indonesia 7 tàu và 15 ngư dân (có 1 tàu và 1 ngư dân bị bắt từ năm 2006); Philippines 8 tàu với 31 ngư dân. Đó là chưa kể 2 tàu với 12 ngư dân của huyện Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ từ ngày 16-6 đến nay.
Ngày càng gia tăng
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng ngư dân Quảng Ngãi hành nghề bị tàu nước ngoài bắt giữ ngày một gia tăng. Không chỉ bắt giam, nộp phạt, tịch thu phương tiện mà tàu nước ngoài còn xả súng bắn 7 ngư dân bị thương, 2 người bị bắn chết, làm thiệt hại lớn về tài sản của ngư dân.
Tàu thuyền đánh cá neo đậu tại cầu Xóm Bóng, TP Nha Trang - Khánh Hòa (Ảnh: NLĐO)
Một trong số những người bị tàu nước ngoài bắn bị thương sống sót trở về là anh Trần Văn Thu (42 tuổi ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Anh cho biết năm ngoái đi trên chiếc tàu cá gồm 11 người.
Do gió lớn, các anh cho tàu né vào gần một hòn đảo thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ bị tàu nước ngoài chĩa súng bắn xối xả. Anh và 9 người chui xuống hầm máy, vậy mà có đến 6 người vẫn bị thương. Riêng anh bị bắn xuyên cánh tay phải.
Còn anh Hồ Thăng Bình (42 tuổi, thuyền trưởng tàu QNg 0477-TS (ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) kể đầu tháng 3 năm ngoái, tàu của anh đến vùng biển khu vực đảo Đá Lồi (thuộc huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng), bất ngờ có một chiếc máy bay trực thăng của nước ngoài quần lượn, quay phim, chụp ảnh.
Sợ quá, anh cho thuyền chạy về hướng đất liền thì máy bay đuổi theo, bên dưới có 1 tàu chiến trang bị vũ khí áp sát thuyền và bắt tất cả 5 người lên tàu chở đi nhốt ở đảo Phú Lâm.
Chiếc tàu của anh thì bị thả trôi tự do. Trong 14 ngày giam giữ, họ đưa phiên dịch hỏi có ai làm nghề thầy giáo, có ai đi bộ đội và Chính phủ VN có hỗ trợ tiền mua phương tiện đánh cá hay không? Sau khi không khai thác được gì ở các anh, họ phải thả các anh về.
Vẫn phải ra khơi
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vì đây là nghề truyền thống cha ông bao đời nay để lại, có liên quan đến cuộc sống của hàng ngàn hộ gia đình vùng biển nên tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển thành lập các tổ, đội tàu thuyền tự quản, giúp nhau trong việc khai thác hải sản xa bờ thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Tây Nam của Tổ quốc.
Mô hình các tổ tàu thuyền tự quản đã tạo sự gắn kết giữa các ngư dân trong những chuyến ra khơi. Khi các tàu thuyền đánh bắt đi theo tổ, nhóm sẽ tạo ra một mô hình sản xuất tập thể mỗi tàu sẽ làm một nhiệm vụ riêng như tàu hoạt động đánh bắt, tàu cung cấp lương thực, xăng dầu và tàu chuyển hải sản vào bờ để nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Đồng thời giúp ngư dân có điều kiện hỗ trợ cho nhau trong việc cứu hộ, cứu nạn trên biển, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhờ mô hình này mà tình hình khai thác thủy hải sản của ngư dân Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng khá. Sản lượng khai thác thủy sản trong 6 tháng đầu năm khoảng 47.000 tấn, đạt hơn 52 % kế hoạch năm.
Mất liên lạc với 12 ngư dân
|
Bình luận (0)