Ngày 18-3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) tổ chức phiên giải trình của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về việc thực hiện chế độ, chính sách để phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, nội dung chủ yếu là chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) thứ 18 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2019.
Vấn đề nóng nhất của phiên giải trình là tính khả thi của đề án tổng thể đăng cai tổ chức Asiad thứ 18 của Bộ VH-TT-DL, đặc biệt là tổng chi phí 150 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ đồng). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Như Tiến hỏi: “Hàn Quốc dự kiến tổng chi phí của Asiad Incheon 2014 tới 1,62 tỉ USD. Vậy bộ trưởng có thể chắc chắn Asiad 18 chỉ 150 triệu USD. Nếu phát sinh gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu bù và ai chịu trách nhiệm?”. Bộ trưởng Bộ
VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định đây là dự tính chi phí và đã tính hết các khoản, hoàn toàn khả thi, sau khi đã tách riêng những chi phí phát triển cơ sở hạ tầng của TP Hà Nội, địa điểm thi đấu sang ngân sách trung ương nằm trong chiến lược phát triển chung. “Chi phí Asiad 14 lớn là do Hàn Quốc tính toán gồm toàn bộ chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam thì tách bạch” - ông Hoàng Tuấn Anh nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết ngân sách nhà nước phải bảo đảm kinh phí dự trù tổ chức Asiad thứ 18 mà Bộ VH-TT-DL đề xuất là 5.475 tỉ đồng. Con số này tăng gấp đôi so với khi vận động đăng cai và chưa bao gồm kinh phí đào tạo vận động viên (dự kiến khoảng 820,8 tỉ đồng). Ông Tuấn băn khoăn về việc hiện có khoảng 80% cơ sở vật chất phục vụ đại hội đã có sẵn nhưng vẫn cần 2.600 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng, còn số tiền để đầu tư xây mới là 3.000 tỉ đồng. Cụ thể, trong số các công trình phục vụ đại hội phải xây mới, 2 dự án mà Bộ Tài chính đang yêu cầu Bộ VH-TT-DL làm rõ là làng vận động viên và dự án sân đua xe đạp lòng chảo. Với dự án làng vận động viên, nhà nước sẽ bỏ tiền đầu tư xây dựng khoảng 2.000 tỉ đồng và sau này sẽ bán.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ thêm quan ngại rằng các yếu tố tài chính hiện nay không khả thi đối với dự án sân đua xe đạp lòng chảo. “Nhà đầu tư KSPO của Hàn Quốc bỏ ra 500 triệu USD xây dựng, kèm theo đó là yêu cầu được kinh doanh cá cược và đòi hỏi ưu đãi thuế cao nhất. Có điều, theo quy định của pháp luật hiện hành thì ưu đãi thuế trong kinh doanh cá cược là không được phép. Nếu chọn phương án khác thì chi phí chỉ 3.000 - 4.000 tỉ đồng” - ông Tuấn phân tích.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đề nghị Bộ VH-TT-DL làm rõ kế hoạch xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo cũng như việc xây dựng cụm sân tennis với phương án xã hội hóa.
Không trả lời thẳng vào cảnh báo của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như tính khả thi của các phương án xã hội hóa việc tổ chức Asiad 18, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói đúng là kinh tế khó khăn nhưng phải xem đăng cai Asiad 18 là cơ hội lớn giúp Việt Nam nâng cao vị thế chính trị, thu hút đầu tư, khách du lịch, tạo niềm tin cho khu vực và thế giới...
Đầu tư chệch hướng
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Nguyễn Sĩ Cương - đặt vấn đề: Thực trạng thể thao thành tích cao phải chăng đang chệch hướng? Đầu tư cho bóng đá nữ chỉ bằng 50% so với bóng đá nam, bóng đá nữ đã sắp chạm tới World Cup trong khi bóng đá nam không biết phải mấy trăm năm nữa. Không ít thành tích trong thể thao vừa qua là do ăn sẵn, do gia đình và cá nhân tự đầu tư, còn rất hiếm do đầu tư bài bản của ngành.
Bình luận (0)