Năm 2016, Việt Nam tiếp tục thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI cả năm 2016 ước đạt 24,4 tỉ USD, tăng 7,1% so với năm 2015.
Giải ngân cao kỷ lục
Trong nguồn vốn FDI trên, số đăng ký mới và tăng thêm đạt gần 20,95 tỉ USD, giảm 7,95% so với năm 2015. Tuy nhiên, sự sụt giảm này đã được bù đắp bởi 3,42 tỉ USD của nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Xây dựng và Vốn đầu tư - Tổng cục Thống kê, cho biết đây là năm đầu tiên cơ quan này thống kê số liệu về tình hình góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên do là số liệu này bắt đầu tăng cao so với các năm trước.
Một điểm đáng lưu ý khác của dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2016 là tỉ lệ giải ngân đạt 15,8 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2015. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt khoảng 9,8 tỉ USD. Bất động sản xếp thứ hai với hơn 1,5 tỉ USD; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác xếp thứ ba với 367 triệu USD. Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2016, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là Singapore và Trung Quốc.
Kinh tế trong nước bị lấn át
Cùng với những đánh giá cho rằng FDI là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam thì ngày càng có nhiều lo lắng về việc hấp thu dòng vốn này. Các chuyên gia đã cảnh báo những nguy cơ khi nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài. Tỉ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng GDP của Việt Nam ngày càng tăng, từ mức 14,6% trong giai đoạn 1991-1995 đã vượt mức 20% sau năm 2010.
Tại báo cáo tổng quan thị trường tài chính của Việt Nam gần đây nhất, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức vì ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, mức độ tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI, trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng sự phụ thuộc nặng nề của kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI đang thực sự là một vấn đề đáng lo ngại trong tương lai và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ, nếu phụ thuộc vào bên ngoài, khu vực kinh tế trong nước sẽ yếu dần và nền kinh tế có thể dẫn đến mất tự chủ.
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu quan trọng nhất của vốn FDI là chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5% công nghệ cao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông nên tạo ra giá trị gia tăng chỉ 20%, còn giá trị nội địa chỉ 10%.
“Cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút vốn FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường. Đặt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước; khắc phục, phòng tránh nguy cơ khu vực FDI lấn át khu vực kinh tế trong nước” - ông Lưu Bích Hồ khuyến cáo.
Nguồn lực bên ngoài có thể vào, có thể ra
PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng những hạn chế trong việc thu hút vốn FDI vừa qua là kết quả của tư tưởng dựa vào đầu tư nước ngoài mà thiếu đi chiến lược tiếp nhận hợp lý, đặc biệt là chiến lược đổi mới công nghệ theo hướng tăng khả năng cạnh tranh bền vững, lâu dài cả trên thị trường trong nước và thế giới.
“Vốn FDI cũng như mọi nguồn lực bên ngoài khác là rất quan trọng nhưng họ có thể vào và đương nhiên có thể ra đi. Cái còn lại là chúng ta học được những gì về cách quản lý của họ, được chuyển giao tri thức khoa học - công nghệ gì, tiếp nối như thế nào trong cái mắt xích của “chuỗi giá trị toàn cầu” mà họ từng có...” - ông Bùi Tất Thắng băn khoăn.
Bình luận (0)