xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế quốc phòng nâng vị thế quốc gia

SỸ ĐÔNG - SƠN NHUNG

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định việc quốc phòng làm kinh tế là cần thiết nhưng sẽ cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí giải tán các doanh nghiệp thương mại thuần túy, không có hoặc ít nhiệm vụ quốc phòng

Ngày 12-7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của quân đội.

Tái cấu trúc doanh nghiệp quốc phòng

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội làm kinh tế là chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 tiếp tục khẳng định xây dựng lộ trình, kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Mục tiêu quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng tiềm lực quốc gia, tự chủ công nghiệp quốc phòng, vũ khí, khí tài quân đội, khẳng định vị thế quốc gia. Thực tiễn hơn 70 năm qua cho thấy tham gia làm kinh tế là chức năng cơ bản của quân đội và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Kinh tế quốc phòng nâng vị thế quốc gia - Ảnh 1.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (thứ 2 từ trái sang), làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vào ngày 12-7Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Những năm gần đây, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng các khu kinh tế quốc phòng. Hiện cả nước có 23 khu kinh tế quốc phòng với hàng triệu ha đất, tạo điều kiện canh tác cho hàng ngàn hộ dân và hình thành thế chiến lược dọc tuyến biên giới quốc gia" - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp quân đội có uy tín, thương hiệu quốc tế như Viettel, Tân Cảng, Ngân hàng Quân đội... Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện đề án sắp xếp lại và đổi mới các doanh nghiệp quân đội khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan điểm của bộ là cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí giải tán các doanh nghiệp thương mại thuần túy, không có hoặc ít nhiệm vụ quốc phòng.

"Trước đây có 300 doanh nghiệp thì vừa qua, sắp xếp còn 88 doanh nghiệp, sau đề án sẽ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Về các khu kinh tế quốc phòng, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục rà soát, có thể bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương để khai thác phát triển kinh tế" - Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng sẽ xử lý nghiêm những sai phạm trong sử dụng đất quốc phòng và sai phạm trong tham gia làm kinh tế để doanh nghiệp quốc phòng là tấm gương cho doanh nghiệp khác noi theo.

Sẵn sàng giao đất cho TP HCM

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho biết những năm qua đã giao hàng ngàn ha đất cho các địa phương phát triển kinh tế. Tại TP HCM, từ năm 2007-2017, Bộ Quốc phòng đã 4 lần điều chỉnh và bàn giao 98 ha cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), riêng năm 2017 giao 21 ha ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, TP HCM đã gửi công văn đề nghị mở rộng một số tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất như Tân Sơn, Hoàng Hoa Thám, Trần Quốc Hoàn. Thường vụ Quân ủy Trung ương thống nhất bàn giao tiếp 14 ha cho Bộ GTVT mở rộng đường băng, sân ga phía Nam; thống nhất chủ trương giao 6,67 ha cho TP để mở rộng đường đô thị. "Bản thân tôi đi trên đường phố TP HCM cũng rất sốt ruột vì ùn tắc. Tôi cũng đề nghị chủ tịch UBND TP xác định phần đất liên quan đến quốc phòng, trừ vị trí phòng thủ, còn nếu đáp ứng được thì Bộ Quốc phòng sẽ giao đất để TP làm đường giao thông" - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Đối với 2 sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên (Hà Nội), lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết từ đầu năm đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng nhà hàng, khách sạn, biệt thự... Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf nếu Chính phủ yêu cầu để mở rộng sân bay. Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị việc thu hồi phải đúng theo quy định pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp đã đầu tư. Nếu đã thu hồi thì cũng không được giao cho doanh nghiệp khác để tránh bị dị nghị "lấy đất doanh nghiệp này giao cho doanh nghiệp kia".

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng thông tin ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2013 đến nay, Bộ Quốc phòng bàn giao hơn 1.500 ha ở 13 sân bay khác cho hoạt động hàng không dân dụng và địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng nghiêm cấm cho thuê bến bãi ở các khu vực đất quốc phòng trong sân bay.

Nhiều dự án "giải cứu" cảng Cát Lái

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết các tuyến đường vào cảng Cát Lái như xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2 luôn xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các cổng ra vào cảng Cát Lái đều phải đi qua đường Nguyễn Thị Định, vòng xoay Mỹ Thủy gây nên tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này.

Trong năm 2016 đã thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng ùn tắc ở khu vực cảng Cát Lái và có nhiều chuyển biến tích cực, không còn ùn tắc giao thông kéo dài, nhưng trong tháng 6 và tháng 7 -2017 lại ùn tắc. Năm 2017 sẽ hoàn thành dự án nút giao thông Mỹ Thủy; còn 6 công trình khác như nâng cấp đường vành đai phía Đông, cầu Bà Cua, cầu qua đảo Kim Cương… hoàn thành trong năm 2018 sẽ góp phần giải quyết ùn tắc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo