* Phóng viên: Nhận định của ông về chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam?
- TS Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá cao kết quả tốt đẹp của chuyến thăm lịch sử mang tính chất đột phá này. Đây là bước phát triển mới trong chiến lược hoạt động quốc tế và ngoại giao của Việt Nam. Tức là, Việt Nam sẽ hợp tác với tất cả các nước để đẩy mạnh sự phát triển; đồng thời bảo vệ lợi ích và chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Quan trọng hơn, sự kiện này tạo thêm niềm tin chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ - vốn là cựu thù trước đây - bây giờ đã trở thành đối tác toàn diện. Chuyến thăm này cùng việc phát triển một cách toàn diện quan hệ giữa 2 nước sẽ là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương Việt - Mỹ. Nó mở ra bước phát triển mới về hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục, an ninh quốc phòng. Mục đích cuối cùng cũng là vì lợi ích của cả 2 nước, lợi ích khu vực và bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế.
* Việc người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón tại Nhà Trắng có ý nghĩa như thế nào?
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng cách đây 20 năm, không ai hình dung tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Mỹ. Tôi cho rằng sự kiện này có tính biểu tượng rất cao. Điều đó cho thấy nước Mỹ chấp nhận và tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam; sẵn sàng giúp chúng ta tăng cường sức mạnh về an ninh, quốc phòng cũng như kinh tế, khoa học công nghệ hay tất cả các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, rà phá bom mìn…
* Việt Nam và Mỹ đang là đối tác toàn diện. Sự kiện này có thể xem là nền móng để hy vọng quan hệ của 2 nước nâng lên tầm cao mới như đối tác chiến lược không?
- Quan hệ đối tác toàn diện theo tôi là trên danh nghĩa. Còn thực chất, việc thực hiện quan hệ đó như thế nào lại phụ thuộc vào hành động thực tế của 2 bên. Tôi cho rằng với sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ cũng như nhiều động thái khác cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đã có tính chất là đối tác chiến lược, tin cậy và rất có ích cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
* Sự kiện này sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam?
- Có 2 cơ hội, nói cách khác là 2 lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có thể đạt được nhân kết quả tốt đẹp của chuyến thăm này, đó là về kinh tế và an ninh - quốc phòng.
Về kinh tế, hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với khả năng hoàn thành ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay, hàng hóa Việt Nam vào Mỹ sẽ thuận lợi hơn. Ví dụ, gạo sẽ được ưu đãi thuế suất 0% trong khi các đối thủ của Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ vẫn phải chịu thuế 7%. Việc ký kết TPP cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ tăng đầu tư vào Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ cao của Mỹ. Đây là điều đặc biệt quan trọng bởi khoa học công nghệ sẽ quyết định cho sức mạnh kinh tế, quân sự của đất nước.
Ở lợi ích thứ hai, Mỹ đã bày tỏ thái độ của họ về việc thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế ở biển Đông, phản đối hành động đơn phương đe dọa dùng vũ lực. Mỹ không đồng ý việc mở rộng, thay đổi hiện trạng của các đảo với ý định xây dựng thành các căn cứ quân sự. Vì vậy, hợp tác về mặt an ninh, quốc phòng với Mỹ sẽ giúp cho nền quốc phòng của Việt Nam mạnh lên, tạo cho Việt Nam có thêm sức mạnh trên diễn đàn quốc tế. Cần phải nói là quan hệ Việt - Mỹ không phải để chống lại bất kỳ một nước nào mà là hợp tác để bảo vệ chủ quyền. Việc này hoàn toàn chính đáng. Tôi cũng lưu ý 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc hiện nay gắn kết với nhau hết sức chặt chẽ và đã từng được ví là 2 đứa bé song sinh gắn liền cơ thể. Do đó, trong mối quan hệ chung, cần nhận thức rõ là chúng ta hợp tác để nâng cao sức mạnh, hợp tác nhưng phải bảo vệ chủ quyền trước mọi sức ép.
* Vậy bài học rút ra cho Việt Nam sau 20 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ là gì?
- Tôi cho rằng Việt Nam cần mạnh hơn, trong đó có mạnh hơn về kinh tế, để có nhiều bạn hơn. Trong bảo vệ chủ quyền thì bài học là chúng ta càng có nhiều bạn, càng có nhiều đồng minh càng tốt.
Bình luận (0)