Sáng 28-12, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.
Chỉ tiêu GDP 2016 tăng 6,7%
Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 tăng trưởng 6,68%, mức cao nhất kể từ năm 2008, vượt mục tiêu đề ra là 6,2%.
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp với mức bình quân cả năm 2015 tăng 0,63%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; thị trường tài chính ổn định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2016. Theo Phó Thủ tướng, các chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH được đề ra trong năm 2016 đã được Quốc hội thông qua, gồm: GDP tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP…
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, thảo luận 2 báo cáo trên để Chính phủ xem xét, tiếp thu, bổ sung và ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2016.
Thủ tướng nhấn mạnh dự thảo nghị quyết đã được xây dựng trên tinh thần cụ thể hóa kết luận của trung ương, của Quốc hội về phát triển KT-XH năm 2016; qua đó đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với hàng trăm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể cũng như đề ra các yêu cầu trong tổ chức thực hiện.
Giao thông tiếp tục “nóng”
Về nhiệm vụ năm 2016, đại diện UBND các tỉnh, thành bày tỏ nhất trí với những chỉ tiêu, giải pháp đã nêu trong dự thảo nghị quyết, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị liên quan tới địa phương mình.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp với TP xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Theo ông Chung, bình quân hằng tháng, Hà Nội đăng ký mới 18.000-22.000 xe máy, 6.000-8.000 ô tô.
“Với tốc độ này, chưa tính đến việc năm 2018, các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên thì khoảng năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Nếu không có ngay giải pháp thì 4 - 5 năm nữa, vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do một cách đồng bộ, thường xuyên; kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp; đặc biệt cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập.
Đại diện TP HCM cũng kiến nghị ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP như: dự án tuyến xe buýt nhanh, nạo vét luồng Xoài Rạp, một số đường hướng tâm quan trọng; quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài; nâng giới hạn vay nợ của Hà Nội và TP HCM cho phù hợp…
Bình luận (0)