Đó là nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh (SN 1960, ngụ TP HCM), người chuyên săn tìm những khoảnh khắc đẹp của động vật hoang dã.
Lần đầu thất bại
Xuất thân từ cán bộ tuyên giáo, ông Sinh chuyển sang làm phóng viên truyền hình gần 20 năm. Dù có một công việc nhiều hứa hẹn, ông vẫn xin nghỉ trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của bạn bè, đồng nghiệp, chỉ để thỏa niềm đam mê cả đời mình: chụp ảnh thiên nhiên hoang dã, tham gia hoạt động bảo tồn các loài động vật quý hiếm của Việt Nam.
Trong đời cầm máy, ông Sinh không thể quên cơ duyên đưa mình đến với loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. “Khi tôi đang thực hiện bộ ảnh sếu đầu đỏ và một số loài chim nước quý hiếm ở Đồng Tháp Mười thì nghe tin voọc chà vá chân nâu được phát hiện ở Sơn Trà. Tôi liền lên đường ra Đà Nẵng tìm hiểu để tiến hành chụp ảnh “nữ hoàng của các loài linh trưởng” này” - ông nhớ lại.
Khi ấy, thông tin và hình ảnh về loài linh trưởng này rất ít ỏi. Ông Sinh đã may mắn gặp anh Trương Ngọc Túy, người am hiểu từng cánh rừng, từng lối đi, con suối ở bán đảo Sơn Trà. Từng là thợ săn thú ở Sơn Trà, Túy trở thành người tham gia điều tra, lấy mẫu thức ăn của voọc chà vá chân nâu để gửi cho tổ chức bảo tồn nghiên cứu và tham gia bảo vệ loài thú quý này.
“Tưởng đâu gặp được “thổ địa” thì mọi chuyện trở nên dễ dàng nhưng không. Bởi lẽ, khi ấy, tôi chẳng biết gì về loài voọc chà vá chân nâu, chúng xuất hiện như thế nào cũng không rõ và chưa bao giờ chụp ảnh chúng” - ông Sinh cho biết.
Ngày đầu tiên, ông Sinh vác túi máy ảnh nặng trịch cùng chân máy theo chân anh Túy đi sâu vào rừng. Đến một khu vực, Túy ngửi thấy mùi nước tiểu của voọc, anh dừng lại lặng lẽ quan sát hồi lâu nhưng chẳng thấy tăm hơi. Đi một đoạn nữa, bỗng dưng 2 người nghe tiếng ào ào trên ngọn cây - một đàn voọc đang di chuyển rất nhanh, có lẽ chúng phát hiện các vị khách lạ nên trốn chạy.
“Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy voọc, chúng nhảy nhót và chuyền cành rất lẹ. Tôi vội vã lắp máy để chụp nhưng điểm nhìn hoàn toàn bị che khuất, di chuyển máy thì bầy voọc lại chạy… Tôi luồn lách qua những đám cây mây, bị cào rách áo, chảy cả máu tay mà vẫn không kịp. Cuối cùng, đàn voọc di chuyển xa dần và mất hút trong tán rừng xanh bạt ngàn. Công việc chụp ảnh đầu tiên coi như thất bại” - ông Sinh kể lại đầy vẻ tiếc nuối.
Dưới tán rừng giữa nóng bức không một chút gió, mồ hôi nhễ nhại, 2 người khát nước đến khô cả cổ. “Dù không chụp được đàn voọc nhưng tôi rất vui vì đã nhìn thấy chúng” - ông tâm sự.
Ăn nằm với Sơn Trà
Một ngày, hai ngày, ba ngày… trôi qua, dù đã đi hết cả bán đảo Sơn Trà nhưng ông Sinh chẳng gặp lại được con voọc chà vá chân nâu nào. Ông đành thất thểu quay về TP HCM với nhiều trăn trở.
Sau đó không lâu, ông Sinh lại khăn gói ra Sơn Trà. Lần này, may mắn đã mỉm cười với nhà nhiếp ảnh khi ông phát hiện một đàn voọc đang ngủ trên cây không cao lắm ngay ven đường. Không vội đánh động bầy thú quý, ông kiên nhẫn quay về khách sạn rồi 3 giờ hôm sau tiếp tục đến chỗ đàn voọc này.
Núi Sơn Trà lúc ấy rất nhiều sương mù. Chiếc đèn pin của ông Sinh chỉ chiếu sáng khoảng 5 m, đủ nhìn thấy đường đi để không đâm vào cây hay lao xuống vực. Đến cách chỗ đàn voọc ngủ khoảng 1 km, ông để lại xe máy và đi bộ lặng lẽ tiếp cận chúng. Cách 100 m, ông lắp máy ảnh, tắt chuông điện thoại, nhích từng chút một đến đúng vị trí đàn voọc ngủ, rón rén ngồi chờ bình minh lên…
“5 giờ, trong ánh sáng lờ mờ, trên những tán cây bắt đầu có tiếng động, các thành viên trong đàn voọc đã thức giấc. Một số con xuất hiện trên các bụi cây. Hạn chế di chuyển, tôi cố giương máy ảnh phục sẵn nhưng bị tán lá che khuất. May sao, con đầu đàn lại ngồi ngay trước ống kính cách tôi khoảng 30 m. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi bắt đầu chụp. Tiếng động phát ra từ máy ảnh làm con voọc đầu đàn chú ý nhưng nó vẫn gà gật ngủ” - ông Sinh hào hứng kể.
Cứ như vậy, ông Sinh đã thực hiện được bộ ảnh đầu tiên tuyệt đẹp về tập tính ngủ của con voọc đầu đàn. Sau đó, ông phát hiện và chụp thêm những bức ảnh về một đàn voọc nữa ở Sơn Trà.
“Cả tuần đó, tôi chỉ mặc mỗi bộ quần áo ngụy trang, không giặt giũ, để nguyên mùi mồ hôi. Có lẽ vì vậy mà đàn voọc bắt đầu quen với sự xuất hiện của tôi. Trong gần 2 năm 2014-2015, tôi đã bỏ nhiều công sức ăn nằm với rừng Sơn Trà để chụp hàng trăm tấm hình về voọc chà vá chân nâu. Giờ thì những tập tính ăn uống, ngủ nghỉ, di chuyển, sinh hoạt, chăm sóc con, giao phối… của loài voọc này, tôi đã thuộc nằm lòng” - ông Sinh khoe.
Những chuyến đi khó quên
Không chỉ lăn lộn ở Sơn Trà, để phác họa hình ảnh tổng thể của các loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam đang rất cần được bảo tồn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh tiếp tục lên đường đến những khu rừng và chụp voọc Cát Bà, voọc bạc Đông Dương, voọc mũi hếch, voọc “quần đùi trắng”…
Ông Sinh cho biết không giống như ở Sơn Trà, Cát Bà là một hòn đảo với những quần thể núi đá vôi hùng vĩ tuyệt đẹp. Để tiếp cận được voọc ở đây, ông phải đi bằng canô hoặc ghe, thuyền. Voọc ở Vườn Quốc gia Cát Bà được bảo vệ nghiêm ngặt vì chúng cực kỳ quý hiếm (trên thế giới còn khoảng 300 con) và là biểu tượng của hòn đảo này.
Ông Sinh kể: “Để chụp ảnh voọc Cát Bà phải xin phép cơ quan chức năng và phải do người của vườn quốc gia đưa đi. Những ngày đầu đến đây, vào cuối mùa đông, ngồi trên canô, gặp phải hôm trời gió, sóng lớn, do tập trung nhìn qua ống kính tele nên tôi choáng váng như say sóng. Cũng như ở Sơn Trà, tại Cát Bà, tôi phải lần mò săn tìm voọc. Khi biết được nơi voọc ngủ đêm, sáng hôm sau tôi đến sớm và chụp được cảnh chúng dậy, đi ăn, di chuyển...”.
Ngoài voọc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh còn lặn lội săn tìm để chụp ảnh nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác, như sếu đầu đỏ. Chụp ảnh voọc đã rất khó khăn, chụp sếu đầu đỏ cũng kỳ công không kém.
“Tôi phải đào những hố sâu như chiếc hầm cá nhân, gọi là tum, trên đó ngụy trang các loại cây cùng với màu cây nơi sếu đến ăn. Tôi phải đi từ rất sớm, ngồi trong tum chờ sếu đến ăn. Chưa hết, tôi còn phải nghiên cứu để làm sao cho chỗ mình đào tum phải là nơi sếu đến kiếm ăn, vì cánh đồng cỏ năng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim rất rộng” - ông tiết lộ.
Theo ông Sinh, sếu đầu đỏ rất tinh khôn nhưng cũng rất nhát. “Nhiều hôm tôi chực chờ cả buổi mà chẳng chụp được gì. Nhưng có lẽ không có loài chim nào làm tôi say đắm như sếu đầu đỏ. Chúng như những vũ công balê trên cánh đồng hoang” - ông ví von.
Chưa hết, ông Sinh cho biết săn ảnh vịt mốc (chim suốt), cò ốc, điêng điểng (chim cổ rắn)… còn khó khăn hơn. Nhiều khi ông phải dầm mình dưới nước vào những buổi sáng sớm, trân mình chịu đựng đàn muỗi đói tấn công... Ông đã thiết kế những tháp cao tới 12 m bằng thép chỉ để chụp sân chim mùa sinh sản… “Dù vất vả nhưng bù lại, tôi đã chụp được những hình ảnh tuyệt đẹp về một số loài chim thú quý hiếm” - ông hài lòng.
Mong nhiều người thay đổi nhận thức
Ngày 17-5, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh đã tổ chức triển lãm ảnh “Đời sống voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà”. Gần 150 bức ảnh, trong đó hơn 50% là do ông thực hiện, đã khắc họa sinh động, ấn tượng về đời sống của loài linh trưởng này. “Tôi rất cảm phục về tình yêu thiên nhiên hoang dã của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh” - ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, bày tỏ.
Nhiều người dân Đà Nẵng và du khách tỏ ra thích thú khi tham dự triển lãm. Với ông Sinh, điều khiến ông hạnh phúc nhất là “dường như đã có một cái gì đó thay đổi trong nhận thức của nhiều người, rằng cần phải bảo vệ, giữ gìn “báu vật” này của Đà Nẵng”.
Mong ước giản dị của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh là những bức ảnh của ông được đưa vào các trường học để giáo dục học sinh về tình yêu thiên nhiên, về ý thức bảo vệ những loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam.
Bình luận (0)