Ngày 19-10, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra trong 31 ngày, từ 20-10 đến 28-11.
Chất vấn tổng thể
Thông tin về kế hoạch kỳ họp thứ 10, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết tại kỳ họp, QH sẽ dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…
QH dành 19 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, tại kỳ họp lần này, hình thức chất vấn sẽ được đổi mới, có nhiều điểm khác biệt so với các kỳ họp trước. Theo đó, hoạt động chất vấn sẽ được tiến hành tổng thể chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp thứ 10, QH dự kiến dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. “Trong thời gian chất vấn, tất cả thành viên Chính phủ, trong đó có Thủ tướng, đều phải có mặt. QH, các đại biểu (ĐB)QH có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ liên quan đến các vấn đề tồn đọng, việc thực hiện lời hứa từ đầu nhiệm kỳ cũng như các vấn đề mà ĐBQH, cử tri quan tâm” - ông Phúc nhấn mạnh.
Về khả năng Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn, ông Phúc nói: “Thủ tướng cũng tham dự các phiên chất vấn. Trên cơ sở các vấn đề liên quan được ĐBQH đặt ra, Thủ tướng sẽ trả lời trực tiếp”.
Vấn đề điều hành kinh tế, phát triển đô thị... được cử tri cả nước quan tâm gửi tới kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Ảnh: Tấn Thạnh
Cử tri đánh giá mới thực chất
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc ngăn ngừa các bộ, ngành “nhờ” ĐB đọc bài, “lobby” không lành mạnh trong các hoạt động tại kỳ họp để các quyết định của QH không bị ảnh hưởng của các nhóm lợi ích, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng chưa kiểm chứng có việc “lobby” hay không.
“Cử tri đánh giá mới thực chất và là thước đo chính xác, quan trọng đối với sự hoàn thành của từng vị “tư lệnh”. Còn phát biểu tại QH của ĐBQH về một vị bộ trưởng nào đó cũng chỉ là một đánh giá; việc ĐBQH ca ngợi người nọ, người kia cũng là chuyện bình thường” - ông Phúc nhận xét.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về cách thức cho ý kiến các văn kiện trình Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Phúc thông tin: “Kỳ này, QH tổ chức lấy ý kiến tại các đoàn và được tập hợp gửi đến tiểu ban văn kiện của Đảng”. Theo ông Phúc, thời gian lấy ý kiến dự kiến tại các đoàn là nửa ngày. Cách thức này sẽ nhận được rất nhiều ý kiến thay vì như trước đây chỉ lấy ý kiến tại hội trường.
Dự kiến trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp khai mạc vào hôm nay (20-10), QH sẽ nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, báo cáo ngân sách… Tiếp đó, QH sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri…
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng Đoàn ĐbQH tỉnh Cà Mau:
Vẫn còn nhiều “tư lệnh” chưa làm tốt
Tôi đặc biệt quan tâm đến hiệu quả giải quyết những vấn đề được nêu ra trong phiên chất vấn tại các kỳ họp QH. Nhiều năm qua, sau mỗi phiên chất vấn ở QH, tôi đều đi kiểm tra, đánh giá việc những lãnh đạo ngành hứa gì và làm được gì.
Tôi đánh giá cao công tác triển khai các công trình, dự án trọng điểm mà Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Trong đó có những dự án đóng góp vào sự phát triển các địa phương của tỉnh Cà Mau, như dự án đầu tư đường từ Năm Căn - Đất Mũi. Ở một lĩnh vực khác là tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện có hiệu quả việc kiềm chế, ổn định lãi suất; tái cơ cấu các tổ tín dụng, ngân hàng đã đi đúng hướng… Tuy nhiên, vẫn còn những bộ, ngành chưa được thực hiện tốt nhiệm vụ, lĩnh vực được giao quản lý.
Tôi kỳ vọng kỳ họp thứ 10 này sẽ tiến hành đánh giá tổng quát, kỹ lưỡng những gì đã triển khai trong 5 năm qua. Đặc biệt là xem xét những kiến nghị của cử tri cũng như kiểm điểm nghiêm túc lời hứa hẹn của các bộ trưởng trước QH xem những gì đã làm được và chưa làm được.
ĐbQh tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Khắc Tâm:
QH muốn nghe đầy đủ về TPP
Tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ sẽ có báo cáo gửi ĐBQH về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cho đến nay, tôi và nhiều ĐBQH khác chưa có đầy đủ thông tin về quá trình và nội dung chúng ta đàm phán về TPP. Chính vì vậy, tôi trông đợi bản báo cáo đầy đủ của Chính phủ.
Tôi rất hy vọng lần này, Chính phủ và QH sẽ giúp nhân dân, đặc biệt là giới doanh nhân và nông dân, cảm nhận rõ ràng đâu là những cơ hội, đâu là những khó khăn khi TPP được ký kết và có hiệu lực. Khi chúng ta thấy rõ cơ hội và thách thức, định lượng được chúng thì mới có kế hoạch, giải pháp cụ thể để thích ứng, hội nhập thành công.
Ông Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của QH, đbQH tỉnh Ninh Thuận:
Dành thời gian “truy” trả lời chất vấn
Điều tôi quan tâm ở kỳ họp lần này là QH dành nhiều thời gian để ĐB đánh giá lại hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cả nhiệm kỳ khóa XIII, từ các kỳ họp, phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH đến các phiên giải trình.
Trên cơ sở đó, ĐBQH sẽ thực hiện chất vấn lại một số nội dung mà trước đây đã chất vấn rồi nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Đây là một việc tốt, giúp nhìn nhận lại hoạt động chất vấn, liên quan đến hoạt động giám sát của QH hoặc HĐND, làm cơ sở cho hoạt động chất vấn thời gian tới sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bảo Trân ghi
Cử tri quan tâm nhiều vấn đề hệ trọng
Chiều 19-10, Đoàn ĐBQH TP HCM đã có báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri TP trước kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII.
Theo báo cáo, Đoàn ĐBQH TP HCM tiếp xúc cử tri từ ngày 25-9 đến 13-10 với 28 cuộc, trên 5.500 cử tri tham dự với gần 334 lượt ý kiến về nhiều vấn đề gây bức xúc ở TP HCM và cả nước.
Cử tri TP HCM kiến nghị QH khi thông qua Luật Phí và lệ phí thì nên nghiên cứu tinh giảm các loại phí và lệ phí để bớt gánh nặng cho người dân. Về việc thu phí đường bộ đối với xe máy, cử tri cho rằng thu tại thời điểm hiện nay là chưa hợp lý do cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa an toàn, kinh tế của người dân còn khó khăn.
Bên cạnh đó, cử tri TP HCM lo ngại dự án lấp sông Đồng Nai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân các tỉnh, thành phía Nam. Cử tri mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp ngừng thực hiện dự án này để bảo vệ môi trường sinh thái.
Đáng chú ý, nhiều cử tri TP HCM bày tỏ bức xúc trước hành vi sai phạm về xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực, TP Hà Nội. Cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm chủ đầu tư và cán bộ, công chức liên quan đến vi phạm tại dự án này.
Trước vận hội mới của đất nước, cử tri quan tâm và vui mừng về việc Việt Nam tham gia TPP. Cử tri cho rằng hội nhập nhưng cần giữ vững độc lập tự chủ; hội nhập là để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài nhưng phải trên cơ sở phát huy nội lực trong nước là chính. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, có tính cạnh tranh cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm...
Trong khi đó, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thủ đô gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Báo cáo cho biết cử tri Hà Nội quan tâm tới nhiều vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, như: việc xét tuyển vào đại học; việc tăng giá nước, xăng dầu, xây dựng biểu giá điện mới…
Đa phần cử tri Hà Nội đề nghị nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị, không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi…
Phan Anh - Thế Dũng
Bình luận (0)