Ngày 30-10, ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (TP Đà Nẵng), cho biết đã ra quyết định kỷ luật đối với 3/5 cán bộ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) do không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Mất tang vật do chủ quan
Nặng nhất là ông Hồ Tấn Hai, phụ trách trạm Cà Nhông, bị kỷ luật cách chức; 2 người khác phụ trách tiểu khu nhưng để mất rừng là ông Thủy Trọng Ngọc - phó trạm Cà Nhông - bị kỷ luật cảnh cáo và nhân viên Nguyễn Văn Ấn bị kỷ luật khiển trách. Hai nhân viên còn lại không để mất rừng nơi mình quản lý nên không bị kỷ luật. “Nếu cơ quan chức năng kết luận có tiếp tay cho lâm tặc thì chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý và những người này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Sự nói.
Đưa gỗ tang vật về Trạm Kiểm lâm Dốc Kiềng (tỉnh Quảng Nam) Ảnh: CÔNG THÀNH
Về trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị này cũng đã xử lý kỷ luật đối với các cán bộ sai phạm. Tuy nhiên, do chưa nhận được báo cáo chính thức nên không thể cung cấp thông tin. Chúng tôi đã liên hệ với ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, để nắm thêm thông tin về việc xử lý cán bộ nhưng ông Trung không phản hồi.
Liên quan đến việc để mất tang vật của vụ phá rừng mà Báo Người Lao Động đã thông tin, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, khẳng định số gỗ tang vật đã bị lấy trộm. Theo ông Tuấn, sau khi được giao nhiệm vụ vận chuyển 66 phách gỗ được phát hiện vào ngày 6-10, đơn vị đã vận chuyển toàn bộ số gỗ này về Trạm Kiểm lâm Dốc Kiềng (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Đến đêm 11-10, việc vận chuyển mới hoàn tất. Tuy nhiên, do chủ quan và quá mệt nên đơn vị đã để gỗ sát đường chờ trời sáng rồi vận chuyển vào bên trong. Sáng 12-10, khi kiểm đếm lại số lượng gỗ để bàn giao cho kiểm lâm huyện Đông Giang thì phát hiện 2 phách gỗ “không cánh mà bay”.
“Có 4-5 cán bộ của Dốc Kiềng và 4 người của hạt nhưng đêm đó trời mưa, anh em đi cả ngày quá mệt và chủ quan nên nằm ở phòng bảo vệ gần cổng trực. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã vào lấy gỗ. Chúng tôi đã báo cáo cấp trên và đang chờ chỉ đạo xử lý” - ông Tuấn giải thích và cho biết rất khó tìm lại tang vật.
“Nói tiếp tay là chưa có cơ sở”
Nhận định về nghi vấn cán bộ trạm Cà Nhông tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, ông Phạm Ngọc Sự cho rằng chính quyền huyện Đông Giang đã quá vội vàng khi đưa ra cáo buộc mà không có cơ sở.
“Nêu ý kiến chủ quan không khéo lại oan sai cho người khác. Họ nói thế chứ không có cơ sở, có cơ sở thì họ đã chứng minh rồi. Không nên vội vàng kết luận anh em có tiếp tay hay không. Nó liên quan đến vận mệnh của con người. Anh em đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Campuchia về nên phải thận trọng. Bữa sau điều tra nếu không có chuyện đó thì chắc chắn chúng tôi sẽ yêu cầu họ đính chính” - ông Sự nói.
Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đông Giang cho rằng trạm Cà Nhông không bảo vệ mà đã tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Ngoài ra, trạm này còn nhiều lần cản trở hoạt động truy quét vàng tặc, lâm tặc của phía Đông Giang nên đã yêu cầu khẩn cấp di dời trạm ra khỏi địa phận huyện.
Thực tế, những nghi vấn của chính quyền huyện Đông Giang không phải không có cơ sở bởi lẽ địa điểm phát hiện 66 phách gỗ vào ngày 6-10 nằm ngay cạnh con đường đi ngang qua Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông. Từ trạm này, con đường đến nơi cất giấu bãi gỗ lậu được “khai phá” khá hoàn chỉnh, xe tải có thể vào đến tận nơi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tuyến đường ngang dọc trong địa bàn rừng giáp ranh ở xã Tư, huyện Đông Giang vốn được Xí nghiệp Lâm nghiệp 2 khai thác gỗ vào giai đoạn trước năm 1993. Tuy nhiên, từ khi đóng cửa rừng đến nay, những con đường cũ trở thành tuyến đường chuyên chở gỗ lậu tuồn ra khỏi địa bàn. Đi dọc vào sâu trong khu vực gỗ lậu được phát hiện, có nhiều đoạn đường được mở rộng, cải tạo, xẻ thành “xương cá” rải ra khắp nơi.
Làm rõ nghi vấn “bảo kê lâm tặc” trước ngày 5-11
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo quý III/2014 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 30-10.
Theo ông Phương, về việc phát hiện hơn 42 m3 gỗ trong lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ thông tin cho rằng lực lượng kiểm lâm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Hạn cuối là ngày 5-11 phải báo cáo kết quả vụ việc cho UBND TP Đà Nẵng. H.Dũng
Bình luận (0)