Luật Phòng, chống thiên tai (có hiệu lực từ ngày 1-5-2014) quy định rõ về việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó quy trách nhiệm để xử lý đối với các cơ quan dự báo, cảnh báo sai. Việc chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai phải bám sát bản tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thiên tai xảy ra trên thực tế; đồng thời đề ra các biện pháp cơ bản để ứng phó với từng loại thiên tai, làm cơ sở cho cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lựa chọn biện pháp phù hợp. Đặc biệt, luật quy định cụ thể trách nhiệm trong ứng phó thiên tai của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND và ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các cấp...
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc cứ sau mỗi cơn bão đi qua, dư luận lại lên tiếng về nhiều dấu hiệu cho thấy dự báo thời tiết không chính xác nhưng không có "địa chỉ" chịu trách nhiệm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết việc dự báo thiên tai hết sức khó khăn. Các nước cũng thường xuyên dự báo sai về thiên tai nhưng độ sai số của Việt Nam lớn và nhiều hơn. Việc này đòi hỏi phải đầu tư thêm nhiều thiết bị, máy móc hiện đại cho cơ quan khí tượng, thủy văn thì mới dự báo chính xác. "Thế giới có thể cập nhật diễn biến thiên tai từng giờ nhưng chúng ta phải sau vài giờ mới cập nhật được" - đại diện Bộ NN-PTNT thừa nhận.
Theo vị này, căn cứ theo Luật Phòng, chống thiên tai sẽ có những hình thức kỷ luật thích đáng nếu xác định được cơ quan dự báo vô trách nhiệm. Muốn xác định trách nhiệm của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thì trên cơ sở dư luận phản ánh, Bộ Tài nguyên - Môi trường phải thành lập đoàn đánh giá, tổng hợp và công khai việc giải quyết kết quả.
Liên quan đến việc dự án nắn dòng chảy sông Hồng, đoạn qua TP Hà Nội, thuộc dự án phát triển giao thông vận tải đường thủy phía Bắc dù chưa đủ giấy phép nhưng vẫn triển khai xây dựng (Báo Người Lao Động đã phản ánh), đại diện Bộ NN-PTNT cho biết đã đình chỉ thi công công trình.
Theo vị này, tại một số vị trí nắn, điều chỉnh dòng chảy sông Hồng, sông Đuống, Bộ Giao thông Vận tải đã không nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa đưa ra được đánh giá về ảnh hưởng tới dòng chảy và an toàn đê điều. Sắp tới, Bộ NN-PTNT chỉ xem xét và cho phép xây dựng tại một số vị trí đã bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Siết hoạt động ngoại hối Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết để khắc phục những bất cập hiện hành, Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) đã quy định cụ thể về việc trên lãnh thổ Việt Nam, các hoạt động "báo giá", "định giá", "ghi giá" trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối (trừ các trường hợp được phép theo quy định của NHNN). Đồng thời, để phù hợp với Luật NHNN, pháp lệnh cũng quy định NHNN công bố tỉ giá hối đoái, quyết định chế độ và cơ chế điều hành tỉ giá. NHNN quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật. |
Bình luận (0)