Những cu Tí, cu Út đã đến trường
...Nhiều lần chúng tôi không khỏi cầm được nước mắt khi tiếp xúc hoặc nhìn những cu Út (10 tuổi), cu Tí (4 tuổi) và Tuấn lép (8 tuổi) bị chính cha mẹ chúng ngược đãi, hành hạ. Loạt bài “Những gia đình ăn mày đày đọa con cháu” đã đánh thức được lương tâm và trách nhiệm của dư luận. Lúc này, chúng tôi không còn đơn độc trong cuộc chiến giành lại tuổi thơ cho những đứa trẻ. Sau nhiều ngày đêm theo dõi, chúng tôi đã chủ động đề xuất với chính quyền phường 12, quận 5 thu gom “nóng” một “gia đình ăn mày” đang hành “nghề” tại cửa hàng xăng dầu góc giao lộ Nguyễn Chí Thanh – Ngô Quyền (quận 5) vào Trung tâm Bảo trợ người già, tàn tật Chánh Phú Hòa (tỉnh Bình Dương). Tại đây, những cu Út, cu Tí và Tuấn lép được nuôi ăn, ở, học hành... cho đến khi trưởng thành, còn cha mẹ chúng thì được tạo công ăn việc làm và có thời gian nghĩ lại việc làm sai trái của mình. Chúng tôi cảm thấy vui và yêu nghề hơn khi qua trang báo, những bé thơ đã tìm được hạnh phúc.
Minh Nam (PV Phòng Địa phương, giải khuyến khích nhóm tác phẩm Dân số - Gia đình)
Chỉ là chặng đầu
Để chuyển tải đến bạn đọc những bài viết “có lửa” cần cả một quá trình học hỏi và tác nghiệp nghiêm túc. Tôi thấy mình mới chỉ đi ở những chặng đầu tiên nên luôn phải cố gắng hơn, cố gắng mãi.
Công trình “Đưa trường học đến thí sinh” đạt giải B của nhóm phóng viên giáo dục chúng tôi chính là tấm lòng của người làm báo về giáo dục dành cho học sinh lớp 12 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM với mong muốn góp thêm kiến thức và tinh thần để các em “đối diện” với đợt tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 sắp tới.Giải thưởng này là lời chúc của chúng tôi dành cho các bạn trẻ với tâm niệm “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” .
Yến Thy (PV Tổ Giáo dục, giải B nhóm các công trình tập thể)
Thầy hay anh ?
Cách đây 5 năm, khi mới vào nghề, tôi được phân công theo dõi mảng giáo dục. Nhìn tôi, anh thư ký tòa soạn phán: “Tướng hiền lành, cho đi gặp mấy ông thầy”.
Tuy vậy, gặp thầy cũng không dễ. Ngay ngày đầu tiên tác nghiệp, tôi đã gặp rắc rối... trong cách xưng hô. Có trường phổ thông thì giáo viên gọi thầy hiệu trưởng là thầy nhưng cũng có trường gọi bằng anh. “ Vậy em gọi bằng thầy hay bằng anh?”, buổi chiều về cơ quan, tôi hỏi anh phụ trách. Có lẽ nực cười trước sự ngây ngô của tôi, anh phụ trách trả lời trong tiếng cười: “Em gọi như thế nào mà lấy được thông tin thì được!”.
Nhưng đời cũng lắm éo le. Có trường hợp cán bộ sắp về hưu khi tôi gọi bằng thầy thì cứ xưng lại bằng anh. Còn mới đây gặp một hiệu phó trẻ, tôi gọi bằng anh thì người ấy cứ sửa lại là thầy.
Tôi rút ra chân lý: Không có quy định nào tuyệt đối mà phải tùy thuộc hoàn cảnh, điều kiện, đối tượng mà áp dụng. Bài học đầu tiên trong nghề làm báo của tôi là như thế. Bây giờ tôi đã rất tự tin nếu ai đó hỏi tôi “gọi bằng thầy hay anh?”
Diệu Hằng (PV Tổ Giáo dục, giải B nhóm các công trình tập thể)
Cảm ơn Thùy Chi
Thùy Chi dẫn tôi đi thăm lại những xóm nghèo và kể cho tôi nghe hàng loạt câu chuyện về chuyện vượt nghèo của người dân ở đây. Nào là chuyện cán bộ xã thức đêm cùng dân chữa bệnh cho tôm; chuyện hộ khá sẵn sàng cho mượn đất, giúp hộ nghèo làm ăn; chuyện khi có cầu bê tông, hàng trăm học sinh chạy đi, đi lại trên cầu mà vẫn chưa thỏa niềm vui... Riêng Chi cũng tình nguyện làm cô giáo dạy lớp học tình thương cho học sinh trong xóm... Nghe Chi nói, tôi chợt nhận ra, thời gian qua, mình còn quá hời hợt trong nghề. Tôi đã cầm viết đơn thuần như một người thợ và hoàn toàn thiếu trách nhiệm với tác phẩm của mình. Viết về địa phương nghèo nhưng tôi chưa thật sự sống, hiểu và sẻ chia được với họ... mà chỉ như một người “cưỡi ngựa xem hoa”.
Đêm đó, lần đầu tiên tôi đã cầm bút bằng tất cả niềm rung cảm của mình. Cảm ơn Thùy Chi và những người dân xã nghèo đã giúp tôi soi rọi lại công việc của mình để trưởng thành hơn.
Nguyễn Bình (PV Phòng Địa phương, giải nhì nhóm tác phẩm Dân số - Gia đình)
Họ đã động viên tôi...
Kỷ niệm khó quên trong thời gian cầm bút gần 4 năm của tôi là hình ảnh những người dân sống bình dị, chân chất và chan hòa nơi vùng cù lao Xóm Gò thuộc xã nghèo Phong Phú, huyện Bình Chánh. Đó là chị Hương – cán bộ phụ nữ xã, dù ngoài lục tuần nhưng vẫn lầm lũi tay chèo đi vận động bà con vùng sông nước tham gia xóa đói giảm nghèo; đó là một ông tổ trưởng được bà con trong ấp thân thương để rồi lấy tên ông đặt tên cho vùng (khu 6 Đặng)... Chính họ đã biết vượt qua khó khăn của vùng sông nước với đời sống hết sức thiếu thốn, khó khăn để thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Chính họ đã động viên tôi rất nhiều qua những trang viết...
Quý Hiền (PV Phòng Địa phương, giải nhì nhóm tác phẩm Dân số - Gia đình)
Chiếc áo nhạt màu
Tôi gặp cô trên con đường ngoằn ngoèo đến ngôi trường mới khang trang, giữa những cánh đồng xanh ngát như một cách khẳng định hướng nghĩ mới của người dân Long Thới, thoát nghèo bằng con chữ. Chẳng tà áo dài đầy màu sắc như những cô giáo tại trung tâm xã, cô Bùi Thị Phương Loan chỉ đơn giản trong chiếc áo nhạt màu và cặm cụi chạy xe từ tờ mờ sáng đến lớp ngồi đợi học trò. Những đứa trẻ quê rất ham học nhưng cũng khá ham chơi, khi chúng đến mà chưa thấy cô là cùng rủ nhau về, ra đồng bắt cua, bắt còng nên cô phải luôn là người tới lớp đầu tiên.
Trò chuyện với tôi, cô kể về tấm lòng của người dân trong xã khi quyên góp cho các em từng quyển sách, cuốn tập, cây viết để những đứa trẻ được đến trường. Cô chỉ cho tôi đám học trò quê đang nô đùa trên bờ ruộng: “Anh nhìn kìa, những đứa trẻ của Ngã Ba Đình vẫn đến trường với đôi chân trần đấy! Còn nhiều điều phải làm cho chúng lắm và cần hơn nữa những bàn tay góp sức”.
Trên đường về, cô kể về những chiếc cặp cũ mà cô phải đi nhặt nhạnh từ đống phế liệu của anh trai mình, để dành tặng các em.
Tôi biết mảnh đất này rồi sẽ từng bước đổi thay khi có những người như cô giáo Loan.
Đoàn Phú (PV Phòng Địa phương - giải nhì nhóm tác phẩm Dân số - Gia đình)
Từ bài viết đầu sai cú pháp...
Khi về công tác tại Báo Người Lao Động năm 1991, trong buổi họp đầu tiên, tôi mất tinh thần khi một đàn anh phê bình tôi viết câu cú dài dòng. Anh nói: “Làm báo như cậu... chán quá”. Tính khí trẻ con giục tôi phải giận người làm mình “quê” trong buổi họp. Nhưng rồi ngay sau đó, anh tặng tôi quyển Chính tả ngữ pháp với lời dặn: “Em chịu khó khắt khe với mình mỗi khi đặt bút thì sẽ vượt qua thôi...”. Và quyển sách của anh đã theo tôi vào nghề. Mười hai năm qua, một chặng đường không ngắn để một phóng viên trẻ như tôi trưởng thành, thế nhưng tôi vẫn thấy mình nhỏ bé trước nghề báo. Có không ít lần tôi nao núng trước những tin bài, hình ảnh chưa đạt yêu cầu. Khi bị phê bình “tơi tả”, tôi giận mình, giận nghề đến mất ngủ. Nhưng rồi tất cả đã trở thành nghị lực nuôi lớn niềm khao khát được hoàn thiện mình.
Thanh Hiệp (PV Phòng VHVN - giải ba nhóm Phóng sự, điều tra)
Bình luận (0)