Không làm được nhiệm vụ tạo nên một dòng chảy sống động của thông tin phản hồi từ cuộc sống, báo chí sẽ tự đánh mất vai trò thật sự của mình
Khao khát thông tin.- Báo chí đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của xã hội chúng ta. Số lượng người mua báo và đọc báo tỉ lệ thuận với trình độ dân trí. Tôi chú ý chuyện mua báo đi liền với đọc báo. Vì còn có hiện tượng báo chí được “bao cấp” cho một loại đối tượng nào đó, và số này không nhỏ. Cho nên không loại trừ những người có cả một tập nhiều loại báo được đặt sẵn trên bàn, nhưng chưa chắc đọc chúng. Cũng có thể vì họ quá “bận”, nhưng cũng có thể còn nhiều lý do khác nữa. Còn đối với số người phải bỏ tiền túi ra mua tờ báo thì dù “bận” đến đâu, họ cũng phải đọc chúng, vì điều ấy đã được quyết định khi họ mua.
Chẳng thế mà trong chuyện “bếp núc” của những người tiến hành điều tra xã hội học, chỉ báo về mua báo và đọc báo thường được sử dụng như là những dấu hiệu đáng tin cậy cho sự tìm hiểu về dân trí, về mức sống và lối sống của một tầng lớp xã hội, một cộng đồng dân cư nào đó.
Vì sao? Vì khao khát thông tin là một thuộc tính của con người. Vì ý thức là cái quyết định sự phân biệt giữa con người và con vật. Mà thông tin chính là dưỡng chất nuôi sống ý thức . Đặc biệt là trong thời đại chúng ta đang sống, thời đại của sự bùng nổ thông tin và “xã hội thông tin” đã là một hiện thực trên hành tinh của chúng ta thì tiếp nhận và xử lý thông tin để tạo ra tri thức là một đòi hỏi của sự phát triển. Ấy thế mà, trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đang than phiền về hiện tượng “tràn ngập dữ liệu song vẫn đói tri thức” thì đối với chúng ta, không phải chỉ “đói tri thức” mà còn cả “đói thông tin” nữa! Đây là một thách đố hết sức gay gắt đối với toàn xã hội, trước hết là người có trách nhiệm quản lý xã hội, nhưng thách đố nặng nề nhất là đối với báo chí do chức năng đặc biệt của mình.
Những bê bối trong quản lý đô thị, trong xây dựng, trong giao thông v.v... khiến cho thanh tra “sờ đến đâu cũng thấy có vấn đề” càng nói lên sự lạc hậu ghê gớm của tri thức quản lý, sự bức xúc của việc hình thành cho được những sản phẩm tri thức của quản lý bằng cách sử dụng có hiệu quả những tri thức đã có và học hỏi, bồi bổ, nâng cao những tri thức mới để tạo ra những giải pháp thông minh, những quyết định đúng đắn. Cùng với công việc hết sức khó khăn này, phải tìm mọi cách khơi dậy nhiệt tình và sáng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, làm bừng nở tiềm năng trí tuệ sáng tạo của họ, tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng thực hiện vai trò giám sát và thúc đẩy hoạt động quản lý.
Với tai mắt của quần chúng, hoạt động quản lý không còn đơn thuần là công việc của người cầm quyền, nó tăng thêm tính công khai và minh bạch, nó gần gũi hơn với một “hoạt động xã hội”. Ấy vậy mà, “xã hội bất cứ dưới hình thái nào là gì? Mác đã đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Nó là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người và người. Người ta có được tự do lựa chọn hình thức này hay hình thức kia của xã hội không? Hoàn toàn không!” *. Xã hội là một cơ thể sống đang hoạt động. Mà đã là sự sống thì không thể tự cô lập. Nếu cần có một môi trường sinh thái cho mọi sinh vật thì cũng cần một môi trường xã hội cho mọi cá nhân. Cô lập sinh vật với môi trường là giết chết nó. Môi trường xã hội cũng không khác bao nhiêu so với môi trường tự nhiên ấy tuy có những đặc thù. Trong môi trường đó, mọi cái đều đang vận động, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Đôi khi, ta có thể không thấy rõ cái nào hỗ trợ cái nào, ai hỗ trợ ai, ai làm việc cho ai trong sự phát triển chung của toàn xã hội . Mặc dù vậy, mọi cái đều hoạt động và đều chịu sự tác động lẫn nhau. Từ xa xưa, Aristotle đã quan niệm: “Tiềm năng của một cá thể là những phối hợp chức năng khác nhau về hành vi và trạng thái mà người đó có khả năng lựa chọn”. Lịch sử là một sự vận động, trong thế tương quan giữa nhiều lực lượng nhằm tìm ra một hợp lực vạch ra con đường đi của nó. Hégel đã rất sâu sắc khi cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Ngay từ đầu,và cho đến bây giờ rồi mãi mãi, hợp lực ấy, vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra mà vẫn không là phụ thuôc vào cá nhân họ. Gần đây, có người sử dụng thuật ngữ “năng lực xã hội” nhằm chỉ “sức mạnh nội sinh, tổng hợp của toàn xã hội có khả năng tổ chức các cơ chế tiên tiến để kinh tế phát triển”. Để tạo ra được năng lực xã hội ấy thì cần phải có một cơ chế chính sách nhằm phát huy những tố chất cần thiết của những nhóm xã hội khác nhau, nối kết chúng lại để tạo ra sức mạnh tổng hợp. ** Vậy là, “hợp lực”, “năng lực xã hội”, “sức mạnh tổng hợp” đều là một chất lượng mới nói lên một sự thật là: cuộc sống hình như là một sự tiếp diễn không ngừng của các vấn đề mà sự kết thúc còn để ngỏ, chưa có câu trả lời đúng, song lại đòi hỏi phải có câu trả lời!
Cho nên, nghĩ rằng có thể “quản lý xã hội” từ A đến Z, nhất nhất đều răm rắp theo một mệnh lệnh chung của người cầm quyền là một ngộ nhận lớn. Nhà quản lý biết chọn đúng vào những điểm khởi động nào đó để thúc đẩy sự vận hành của guồng máy xã hội trong những tương tác lực khác nhau nảy sinh trong vận động. Từ điểm khởi động đó, những tương tác lực khác nhau sẽ thúc đẩy và điều chỉnh sự vận hành của guồng máy xã hội. Hơn nữa, chính sự đa dạng, muôn hình, muôn vẻ của xã hội lại là nhân tố thúc đẩy sự phát triển, vì đa dạng hóa cấu trúc là tiền đề của sự tiến hóa.
Lợi thế của báo chí.- Sự vận hành của cuộc sống đã cho thấy rằng mọi sáng tạo đều được nảy sinh từ trong quần chúng, tức là từ cuộc vật lộn khắc nghiệt của con người vươn lên trong cuộc mưu sinh. Tạo cơ hội và điều kiện cho sự sáng tạo đó, thúc đẩy những “tiềm năng” của mọi con người trong xã hội, mọi nhóm, mọi giai tầng xã hội, những “tiềm năng” không ai giống ai ấy phát triển, sẽ là một hợp lực cực kỳ to lớn thúc đẩy đất nước phát triển. Báo chí có một lợi thế không gì so sánh được trong việc tạo ra cái hợp lực lớn lao đó. Vì cùng với việc thực hiện chức năng chuyển tải những chủ trương, đường lối đến với mọi người, và cùng với những thông điệp từ trên xuống ấy, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên. Và đây mới là trách nhiệm xã hội quan trọng nhất của báo chí.
Không làm được nhiệm vụ tạo nên một luồng chảy sống động của thông tin phản hồi từ cuộc sống “bên dưới”, từ “phần chìm của tảng băng”, báo chí sẽ tự đánh mất vai trò thật sự của mình!
Tự vấn-. Tôi mạo muội nêu lên một câu hỏi: Khi Người Lao Động tự đặt cho mình cái tên cao quý ấy thì liệu tiếng nói thật của người lao động, lao động trí óc và lao động chân tay, lao động quản lý và lao động khoa học chiếm được tỉ lệ bao nhiêu trên trang báo? Và trên những trang báo thường nhật của Người Lao Động, người ta có thể đọc được tâm trạng thật của những người lao động đang bươn chải trên mọi hoạt động, có khi rộn ràng, sôi động, có khi lầm lũi âm thầm để chống chọi lại với muôn vàn những vật cản hữu hình và vô hình để tồn tại và đi lên trong cuộc sống? Liệu Người Lao Động đã nói trúng, nói đúng một cách sâu sắc và thẳng thắn những nỗi bất an lớn nhất mà người lao động đang dồn chứa hay không để giúp tìm ra cơ chế tháo gỡ ?
Đặt ra câu hỏi cũng là mong mỏi sự trả lời, và sự trả lời đó chính là trách nhiệm xã hội của báo chí nhằm tạo ra một hợp lực thúc đẩy xã hội đi tới.
Tương Lai
* Mac-Angghen Tuyển tập. NXB Sự Thật. 1980 t.I .tr.788)
**Trần Văn Thọ. “Công nghiệp hóa Việt Nam.1997.tr.23
Bình luận (0)