Từng nghe kể nhiều về cô Trịnh Kim Quế - SN 1977; giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa - nên khi được gặp và cùng rong ruổi đến các bản làng xa ngái, tôi càng khâm phục những gì mà cô đã làm vì nghiệp gieo chữ cho đồng bào người Mông ở đây.
Bỏ phố lên rừng
Sinh ra và lớn lên tại TP Thanh Hóa nhưng khi ra trường, cô Quế lại chọn huyện vùng cao Mường Lát, nơi cách nhà hơn 250 km, làm đích đến đầu tiên. “Tôi được phân công về dạy tại Mường Lý, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát. Thời gian đầu, tôi như muốn bỏ cuộc giữa chừng vì đường sá đi lại gian nan, học sinh (HS) thì yếu kém, cộng với việc nhớ chồng con, gia đình…” - cô bày tỏ.
Dần dần, cô Quế cũng quen với cuộc sống và công việc nơi núi rừng heo hút. Có thời gian, một buổi dạy học, một buổi cô băng rừng lội suối đi vận động HS bỏ học tới trường, rồi tranh thủ kiếm củi, bắt cá cải thiện bữa ăn...; tối về lại làm bạn với đèn dầu trong căn nhà giáo vụ tạm bợ. Vất vả là vậy nhưng bù lại, bà con người Mông sống rất tình cảm, có gì ngon cũng dành phần biếu thầy cô.
Sau 11 năm bỏ phố lên rừng, trải qua nhiều buồn vui nhưng với cô Quế, được đem kiến thức của mình truyền lại cho thế hệ trẻ vùng cao luôn là niềm khao khát. Hơn 10 năm, cô đã đến rất nhiều điểm trường khó khăn, xa xôi nhất của Mường Lát và chủ yếu dạy chữ cho trẻ em người Mông. Chính sự nhiệt tình này mà nhiều lần cô suýt bỏ mạng giữa rừng.
“Cuối năm 2006, khi đang dạy ở bản Sài Khao, xã Mường Lý thì tôi lên cơn sốt rét rừng. Các giáo viên và bà con đã bỏ tôi vào chăn, khiêng băng rừng hơn 20 km xuống điểm trường chính để lấy xe máy chở tới bệnh viện. Đến nơi, tôi đã mê man không biết gì” - cô nhớ lại. Một năm sau đó, cô suýt bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi họp từ trung tâm huyện về trường. Một đồng nghiệp nam đi cùng đã liều mình nhảy xuống dòng nước dữ cứu được cô...
Đêm ở bản Cá Giáng, xã Mường Lý không điện, không tivi, không sóng điện thoại, trời chuyển mùa lạnh se sắt. Câu chuyện phía sau giờ đứng lớp của cô Quế khiến chúng tôi càng thêm cảm phục.
Cô Quế cho biết khi mình lên Mường Lát, đứa con gái mới 8 tháng tuổi đã phải ngừng bú mẹ. Nhớ con, cuối tuần, cô lại chạy xe máy gần 300 km về thăm. “Khi con gái bi bô tập nói, người thân trêu đùa, bảo bé gọi tôi là chị. Con bé xa mẹ cứ hồn nhiên gọi “chị Quế, chị Quế”… Lúc đó, tôi chỉ biết ngồi khóc, vừa tủi phận mình vừa thương con. Đến lần sinh đứa con thứ hai, tôi đã để cháu ở cạnh tới năm học lớp 1 mới cho về xuôi” - cô kể.
Khi cuộc sống bớt khó khăn, các con đã khôn lớn thì cũng là lúc người chồng của cô Quế lại bỏ nhà đi. Cô bảo đó là lỗi của mình vì khó có người đàn ông nào chịu đựng nổi người vợ quanh năm suốt tháng xa gia đình. Chưa hết, năm 2013, khi cha cô Quế bị bạo bệnh qua đời, người thân gọi điện báo tin nhưng không liên lạc được với cô. Mãi 3 ngày sau, cô mới nghe tin dữ…
Theo cô Quế, dù có thế nào đi nữa thì cô cũng không bao giờ hối hận khi chọn nghề giáo, càng không hối hận khi chọn đặt chân tới Mường Lát. Ông Thào A Thái - Trưởng bản Tà Cóm, xã Trung Lý - cảm kích: “Nhờ cô Quế mà bản tôi giờ cháu nào cũng tới trường, không còn trường hợp bỏ học giữa chừng. Bà con người Mông chúng tôi quý cô Quế lắm”.
Căn nhà đặc biệt trên đỉnh Ngọc Linh
Nằm vắt ngang dãy núi Ngọc Linh, Trường Tiểu học Trà Cang, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam quanh năm sương mù bao phủ. Nơi đây, một căn nhà đặc biệt được thầy Lý Văn Đường - 46 tuổi, hiệu trưởng nhà trường - dựng lên để nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, thầy Đường quyết định rời quê nhà Bắc Trà My để chuyển lên Trường Tiểu học xã Trà Tập, huyện Nam Trà My công tác. Ngoài những cơn sốt rét trường kỳ, đời nhà giáo cắm bản trên đỉnh núi luôn đối mặt những tháng ngày đói lả. Thế nhưng, điều mà thầy Đường trăn trở nhất là HS ở đây không chịu đến lớp mà dành hết thời gian lên nương cùng cha mẹ.
Hằng ngày, ngoài giờ đứng lớp, thầy Đường phải cuốc bộ hàng giờ băng rừng đến các thôn để thuyết phục, vận động HS đến trường. Dần dà, những lớp học trở nên đông đúc, HS ngày càng yêu thích con chữ hơn.
Năm 2013, thầy Đường được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Cang. Ở đây, thầy không khỏi bất ngờ và đau lòng trước tình trạng quá nhiều người ăn lá ngón tự tử. Thầy nhớ lại: “Vào ngày khai giảng năm học 2013, tuy đã mường tượng cảnh vắng vẻ nhưng tôi không ngờ HS lại ít ỏi đến vậy, mỗi lớp chỉ vài em. Khi tìm hiểu, tôi mới biết một sự thật đáng buồn. Nhiều trẻ do cha mẹ ăn lá ngón tự tử nên cuộc sống hết sức khó khăn. Những đứa trẻ mồ côi ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thì hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện học hành”.
Trước hoàn cảnh của những đứa trẻ bất hạnh, thầy Đường quyết định phải làm gì đó để giúp các em. Thế rồi, thầy đến từng nhà thuyết phục người thân cho trẻ đến trường học với lời hứa sẽ thay cha mẹ nuôi dưỡng các em.
Với vốn liếng tiếng Xê Đăng khá vững, thầy Đường chiếm được cảm tình của người dân và được họ giúp sức dựng lên căn nhà trong khuôn viên trường làm nơi ăn ở, sinh hoạt của mình và những đứa trẻ mồ côi. Xong chỗ ở, để có thức ăn và áo quần, sách vở cho HS, thầy vận động đồng nghiệp và bạn bè cộng với khoản lương của mình mới phần nào đủ đắp đổi.
Từ năm 2013 đến nay, 15 em nhỏ đã được thầy Đường chăm lo ăn học. Nhiều giáo viên Trường Tiểu học Trà Cang cho biết thầy Đường chăm sóc những đứa trẻ còn tận tình hơn cả cha mẹ chăm con.
Trong số các đứa trẻ mà thầy Đường nhận nuôi, có lẽ hoàn cảnh 4 chị em ở thôn 7, xã Trà Cang là đặc biệt nhất. Năm 2014, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, hai vợ chồng người Xê Đăng lần lượt tìm đến lá ngón để kết liễu cuộc đời. Bốn đứa trẻ Hồ Thị Đáy, Hồ Thị Điểu, Hồ Văn Nghéo và Hồ Thị Ngêu phút chốc chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nghe tin, thầy Đường lập tức lên phương án đưa các em về trường ăn ở. Đến nay, ngoài Đáy đang học cấp 2 ở lại trường nội trú, 3 bé còn lại đang được thầy Đường chăm sóc.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Đường liên tục nhắc về một cháu bé ở thôn 1, xã Trà Cang mà ông vẫn chưa thuyết phục được gia đình đưa về mái ấm của mình. “Cách đây mấy tháng, một cặp vợ chồng ở thôn 1 cùng nhau ăn lá ngón qua đời. Biết tin, tôi cuốc bộ hơn 4 giờ đường rừng vào vận động nhưng ông bà nội chỉ cho em Hồ Thị Bình - học lớp 4 - đến trường, còn em Hồ Văn Nhi - học mẫu giáo - thì không cho. Các gia đình ở đó rất nghèo khổ, ăn uống không đầy đủ. Tôi đang cố gắng thuyết phục đưa bé Nhi ra đây ở cùng chị. Chắc sớm thôi, tôi sẽ thuyết phục đưa Nhi ra đây bằng được” - ông quả quyết.
Theo thầy Đường, trước đây, khi chưa có chế độ bán trú của nhà nước hỗ trợ HS vùng cao, việc đưa các em về trường chăm sóc rất khó khăn. Hiện nay, hằng tháng, HS vùng cao có một khoản tiền và gạo hỗ trợ nên việc nhận nuôi các em đỡ vất vả hơn. “Thấy các em ngày càng khôn lớn, tôi hạnh phúc vô cùng” - thầy Đường bộc bạch.
Kỳ tới: Vượt lên nghịch cảnh
Bình luận (0)