Chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn về các biện pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông; việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.
Đánh giá học sinh: Tùy trường!
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 năm 2014 của bộ trong năm học vừa qua, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc khen thưởng cuối năm. Một số trường đánh giá học sinh quá khắt khe, trong khi trường khác học sinh nào cũng được khen. “Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này thế nào?” - ĐB Minh chất vấn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc chuyển đánh giá học sinh tiểu học từ chấm điểm sang nhận xét kết hợp với điểm thi học kỳ và cuối năm là phù hợp với nền giáo dục ở những nước phát triển. Quá trình này nhằm thay đổi động lực học của học sinh từ chỗ vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng, hình thành nhân cách trong quá trình phát triển. Quá trình này đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước và triển khai thí nghiệm, thực nghiệm trong 3 năm trên 1.000 trường. Tuy nhiên, khi triển khai đồng loạt trong năm học vừa qua thì xuất hiện một số trục trặc nhỏ, như có trường khen thưởng quá khắt khe, có trường lại khen dễ dãi quá, hay có ý kiến cho rằng gia đình không biết con em học thế nào vì không có điểm số. “Có thể mới thực hiện nên chưa quen. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh những trục trặc này” - Bộ trưởng Luận nhìn nhận.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) băn khoăn lần đổi mới chương trình SGK trước đây, Bộ GD-ĐT cần 4 năm để thí điểm. Tuy nhiên, lần đổi mới sắp tới, Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ thí điểm những nội dung mới và giao việc thí điểm cho các tác giả xây dựng chương trình SGK thì e rằng kết quả sẽ không như mong muốn.
Về lo ngại này, Bộ trưởng Luận cho biết việc đổi mới chương trình SGK lần này sẽ tận dụng những nội dung cũ còn phù hợp. Do vậy, những nội dung cũ được giữ lại thì không cần thử nghiệm, chỉ tập trung thử nghiệm những nội dung mới. Còn việc giao cho các nhóm tác giả tổ chức thử nghiệm vì đó là nội dung do họ xây dựng nên họ triển khai thử nghiệm là tốt nhất. Bên cạnh đó, sẽ có đội ngũ chuyên gia, nhà giáo dục giám sát và thẩm định việc thử nghiệm.
Nhiều lo ngại về kỳ thi THPT quốc gia
ĐB Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) đặt vấn đề “Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT do các địa phương tổ chức, kết quả tốt nghiệp đạt mức 98%-99% nhưng năm nay, khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH lại chủ trì tổ chức các cụm thi. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo ngại vì các trường ĐH làm quá nghiêm sẽ dẫn tới kết quả tốt nghiệp sụt giảm. Bộ trưởng có ý kiến gì về lo ngại này?”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng để đổi mới thi cử, lần này bộ đã yêu cầu giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó về mình và tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Thậm chí, học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT vẫn có cơ hội xét tuyển vào hơn 150 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng. Năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức 38 cụm thi quốc gia. Để triển khai các cụm thi quốc gia này, bộ đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. “Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia. Đổi mới và nghiêm túc nhưng không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột” - Bộ trưởng Luận khẳng định.
Về nhận định “Đạo đức học sinh xuống cấp, tình trạng bạo lực học đường gia tăng” của một số ĐB, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận thời gian qua, nhà trường chỉ chú trọng việc dạy các môn học theo hướng truyền thụ kiến thức mà chưa chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Bình luận (0)