Tại Việt Nam, các bác sĩ đã làm nên kỳ tích khi 2 lần đưa nguồn tạng vượt hơn 1.700 km từ TP HCM đến Hà Nội ghép cứu sống 4 người đang cận kề cái chết.
Chiến thắng tử thần
Mới đây, Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) công bố đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng xuyên Việt cho 2 bệnh nhân bị suy tim và suy gan giai đoạn cuối. Đây cũng là ca ghép tạng xuyên Việt thứ hai được BV Việt Đức phối hợp với BV Chợ Rẫy (TP HCM) thực hiện.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia ghép tạng của BV Việt Đức, cho biết đến thời điểm này, sau hơn 10 ngày, 2 bệnh nhân được ghép tim và gan đang hồi phục sức khỏe. Họ đã ăn uống bình thường và sau 1 tuần nữa có thể được xuất viện.
Người hiến tạng là một thanh niên 20 tuổi, chết não do tai nạn giao thông. Thời gian chết não đã gần 48 giờ. Trước đó, bệnh nhân cũng đã bị sốc đa chấn thương, huyết áp tụt, có các triệu chứng suy thận, phù phổi. Đặc biệt, thời gian lấy và vận chuyển tạng từ TP HCM ra Hà Nội bị chậm 1 giờ do tắc đường nên chất lượng tạng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Dù lần này đã có kinh nghiệm hơn lần đầu ghép tạng xuyên Việt vào tháng 9- 2015 nhưng ông Quyết cho biết vẫn gặp khá nhiều trục trặc. “Sau cuộc phẫu thuật ghép tạng, chúng tôi cũng có những giây phút thót tim vì sức khỏe người được ghép diễn biến xấu. Đó là bệnh nhân ghép gan, sang ngày thứ hai, gan mất chức năng, không tiết mật… Trong khi đó, ca ghép tim diễn ra khá phức tạp và mất nhiều thời gian vì đến cuối cuộc mổ, tim đập lại không tốt. Hai ngày sau, tiên lượng rất xấu nhưng như có phép màu, sau 24 giờ, bệnh nhân dần hồi phục nhanh chóng” - ông nhớ lại.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực BV Việt Đức, nhờ có kinh nghiệm từ lần ghép tạng trước nên mọi việc khá suôn sẻ. Với ca ghép tim lần này, bệnh nhân là nam, 64 tuổi, bị suy tim từ năm 2005, từng đặt tới 9 stent nhưng đến trước khi ghép tạng thì tim hầu như đã hỏng. Bệnh nhân này còn bị suy thận, phù phổi, sự sống chỉ tính từng giờ.
Sáng tạo bất ngờ
Để thực hiện được ca ghép tạng nêu trên, các bác sĩ BV Việt Đức phải lên nhiều phương án với sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, đơn vị để việc vận chuyển tạng được thuận tiện và trong thời gian ngắn nhất.
GS-TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - kể lại: Quá trình ghép cũng là lúc các y, bác sĩ phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. Để đưa được nguồn tạng sống vượt hơn 1.700 km kéo dài nhiều giờ, các y, bác sĩ cũng phải đưa vào thiết bị bảo quản tối tân. Thiết bị này do chính ê-kíp sáng chế để vận chuyển nguồn tạng an toàn.
“Nếu ở nước ngoài, việc di chuyển sẽ sử dụng phương tiện bay chuyên dụng nhưng nước ta chỉ có máy bay dân sự. Quả tim sau khi được lấy ra, bơm dung dịch vào chỉ bảo quản được trong vòng 2 giờ. Trong khi đó, thời gian di chuyển từ TP HCM đến Hà Nội sẽ lâu hơn thời gian bảo quản. Vì thế, trên máy bay, thùng bảo quản tạng được ưu tiên đặt ở khoang lái để các bác sĩ tiện chăm sóc” - GS Sơn phân tích.
Theo GS-TS Trịnh Hồng Sơn, thành công trong các ca ghép tạng là công sức của cả trăm người phối hợp cực kỳ hoàn hảo, nếu chỉ một khâu trục trặc thì sẽ khó có thành công. Đặc biệt, trong hoàn cảnh người cho và người nhận ở hai đầu đất nước thì không chỉ đòi hỏi sự ăn khớp giữa các ê-kíp y, bác sĩ mà còn phải có sự phối hợp của cả các lực lượng hải quan, an ninh, nhân viên các hãng hàng không...
Các chuyên gia nêu trên đều cho rằng tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện việc lấy tạng từ những vùng xa xôi hẻo lánh nhất vì các trung tâm ghép tạng đã được đặt ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Nếu có người hiến tạng chết não thì đội ngũ y, bác sĩ đủ khả năng vận chuyển người chết hiến tạng về các trung tâm này để hồi sức và lấy tạng hoặc có thể lấy tạng tại tất cả BV của các địa phương.
Khan hiếm nguồn tạng hiến
Để phục vụ cho việc ghép tạng tốt hơn, BV Việt Đức đề xuất trang bị 2 hộp bảo quản tạng chuyên dụng, trị giá 230.000 USD (hơn 5 tỉ đồng) mà Bộ Công an đã hứa tặng. Nguồn tạng ở Việt Nam rất khan hiếm, đặc biệt là từ người cho chết não. Hằng năm, cả nước có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, có khả năng chết não và lấy được tạng nhưng việc kêu gọi hiến tạng rất khó khăn. Tại BV Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tạng. Do đó, 90% các ca ghép tạng tại Việt Nam được thực hiện từ nguồn cho là người sống, trong khi ở nước ngoài, 90% tạng ghép từ người cho chết não.
Hiện nay, chi phí một ca ghép thận ở BV Việt Đức khoảng 250-500 triệu đồng, một ca ghép tim khoảng từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, một ca ghép gan là 1,5 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí một ca ghép gan ở Mỹ là 15,5 tỉ đồng, ghép tim là 26,1 tỉ đồng và ghép thận là 7 tỉ đồng.
Bình luận (0)