xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ký ức Điện Biên Phủ

Mạnh Duy

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác gặp 6 chiến sĩ tiêu biểu lập được chiến công xuất sắc và trực tiếp gắn huân chương cho từng người, trong đó có một chàng trai mới 20 tuổi

img
Ông Bạch Ngọc Giáp (bìa phải) giơ tay chào khi được Bác Hồ gắn huân chương. Ảnh do nhân vật cung cấp
58 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những trận đánh oanh liệt ở chiến dịch Điện Biên Phủ, về  buổi trò chuyện giữa những cánh rừng của thủ đô kháng chiến Việt Bắc và bữa cơm với Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong ông Bạch Ngọc Giáp.

Thưởng nóng

Đại đội Pháo binh 806 của ông Bạch Ngọc Giáp vinh dự được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ giao nhiệm vụ bắn mở màn chiến dịch. Trận đánh đồi Him Lam ngày 13-3-1954 vẫn hằn sâu trong ký ức ông Giáp bởi chính nhờ trận này mà ông nhận được huân chương ngay tại mặt trận.

“Trước khi bộ binh và pháo binh tấn công Him Lam, chúng tôi là những trinh sát được giao nhiệm vụ nắm tình hình đồn địch đóng trên quả đồi này. Chúng tôi phải đào công sự tới gần, chỉ cách đồn địch 200 m. Việc áp sát địch bằng đường hào phải cực kỳ bí mật vì liên quan tới yếu tố bất ngờ của trận mở màn chiến dịch. Chính nhờ áp sát sào huyệt và nắm được bố phòng lực lượng của địch nên pháo binh ta hoàn toàn làm chủ được thế trận. Hồi ấy, chúng tôi phải đào công sự suốt đêm vì ban ngày, máy bay do thám của địch thường xuyên tuần tra” - ông Giáp nhớ lại.

Theo dự kiến, loạt pháo đầu tiên sẽ nã vào đồn địch lúc 16 giờ nhưng sau đó, chỉ huy mặt trận quyết định hoãn đến 17 giờ. Mắt ông Giáp rực sáng khi nói về trận đánh khai màn chiến dịch: “Lúc ấy, khí thế của bộ đội ta sôi sục, hừng hực. Sau khi được pháo binh yểm trợ, Trung đoàn  209 - Sư đoàn 312 bộ binh đã chiếm được cứ điểm Him Lam”.

Ngay hôm sau, ông Giáp được chính trị viên đại đội trao tấm Huân chương Chiến sĩ tại một căn hầm cạnh đài quan sát với thông báo của cấp trên: “Quyết định thưởng nóng cho đồng chí Bạch Ngọc Giáp vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Cùng với đơn vị của mình, ông Giáp tiếp tục tham gia hầu hết các trận đánh ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ cho đến ngày quân ta hoàn toàn thắng lợi ngày 7-5-1954. Kết thúc chiến dịch, đơn vị của người lính trinh sát pháo binh Bạch Ngọc Giáp được đại diện cho Đại đoàn Công pháo dự lễ mừng chiến thắng tại Mường Phăng vào ngày 13-5, nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Gặp Bác báo công

Cũng tại Mường Phăng, chàng chiến sĩ pháo binh vừa tròn 20 tuổi được nhận một phần thưởng bất ngờ cho sự quả cảm, gan dạ suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Đó là một mệnh lệnh đặc biệt: “Đồng chí Bạch Ngọc Giáp sẽ là một trong 6 người được chọn đi gặp Bác báo công đúng vào dịp sinh nhật Người 19-5”.

Từ Điện Biên Phủ, đoàn xe vận tải chở 6 chiến sĩ có thành tích xuất sắc chạy ngày đêm về An toàn khu Việt Bắc. Ông Giáp kể: “Ngày ấy, do điều kiện đường sá khó khăn nên chúng tôi không về kịp sinh nhật Bác mà muộn mất vài ngày”. Khi đến An toàn khu, những chiến sĩ Điện Biên Phủ được Tổng cục Chính trị đưa tới Văn phòng Trung ương.

“Trước khi được gặp Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo tin cho chúng tôi và chấn chỉnh lại quần áo từng người. Ông cũng trực tiếp chải tóc cho từng chiến sĩ như một người anh cả chăm sóc cho các em. Khi thấy Bác đi từ rừng tới, chúng tôi ai cũng thổn thức. Trước đó, chúng tôi bàn nhau là sẽ công kênh Bác lên để mừng thọ Người. Tuy nhiên, khi gặp Bác, tất cả đều luống cuống, quên hết mọi việc và lúc ấy, Bác bảo gì thì cứ làm theo thôi” - ông Giáp xúc động.

Với 6 người lính vừa từ mặt trận về An toàn khu, câu hỏi ân cần, giản dị của Bác ngay khi gặp mặt: “Các cháu đã được ngủ bù nhiều chưa?” là lời động viên, thăm hỏi ân cần như của người cha với các con. “Trong chiến dịch 56 ngày đêm, hầu như đêm nào tôi cũng phải thức trực chiến. Vị lãnh tụ của dân tộc hỏi thăm điều đó chứng tỏ Người rất quan tâm đến những vất vả, hy sinh của chiến sĩ ngoài mặt trận” - ông Giáp thổ lộ.

Các chiến sĩ luýnh quýnh và ai cũng hồi hộp khi được ngồi quanh Bác, được Người ân cần hỏi thăm. Đại tướng Văn Tiến Dũng khi đó “chê” rằng các chiến sĩ ngoài chiến trường dũng cảm là thế mà tại sao gặp Bác lại nhút nhát quá. “Thấy chúng tôi rụt rè, Bác bảo: “Bác cháu mình cùng nhau đóng kịch”. Thì ra, Bác gọi 6 người lại để gắn huân chương” - ông Giáp hồi tưởng.

Hôm đó, đoàn điện ảnh Xô Viết của đạo diễn Roman Carmen sang ghi lại những giờ phút lịch sử sau chiến thắng Điện Biên Phủ nên cảnh Bác trao huân chương cho 6 chiến sĩ xuất sắc nhất chiến dịch cũng được ghi lại. Những bức ảnh ấy giờ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nét mặt vị lính già Bạch Ngọc Giáp rạng ngời khi chỉ cho chúng tôi xem bức hình Bác đang gắn huân chương cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, người bắt sống tướng De Castries; còn ông là người đứng cạnh giơ tay chào Bác, chuẩn bị được Người trao phần thưởng cao quý.

Sau lễ gắn huân chương đơn sơ, cả 6 chiến sĩ được dự bữa cơm Bác Hồ chiêu đãi các đoàn khách quốc tế. Cùng dự còn có Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị tướng lừng danh: Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng…

Bữa ấy, ông Giáp học được một bài học sâu sắc về đức tính giản dị và thói quen tiết kiệm của Bác. “Khi kết thúc bữa ăn, anh Vinh tính rời khỏi bàn nhưng Bác nhẹ nhàng bảo: “Cháu vét sạch bát đi đã”. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đó và bữa cơm 58 năm về trước” - ông nói.

“Pháo binh muôn năm”

Từ năm 12 tuổi, cậu bé Hà thành Bạch Ngọc Giáp đã tham gia đoàn hướng đạo, 16 tuổi vào trường sĩ quan lục quân, làm quen với súng đạn từ sớm. Ông  tâm sự: “Tôi tự hào vì những năm tháng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Ba chữ Điện Biên Phủ gợi lại trong ông những ký ức hào hùng, lẫm liệt của cả một đời binh nghiệp.

“Tham gia nhiều chiến trường nhưng Điện Biên Phủ là nơi tôi trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận khi tuổi đời còn rất trẻ” - ông cho biết. Đời binh nghiệp của ông Giáp thực sự là một chuỗi những câu chuyện về các trận đánh lẫy lừng nhưng khi nhắc đến đồng đội cũ, ông vẫn day dứt vì nhiều người đã hy sinh mà không thể tìm được phần mộ và quê quán.

Ngoài chiến thắng Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiến công của pháo binh vẫn rõ nét trong ký ức người cựu binh đã ở tuổi xấp xỉ bát thập. “Pháo binh của ta đã làm địch khiếp sợ, hoang mang. Đại tá Pháp Charles Piroth, chỉ huy pháo binh Pháp, ban đầu dọa sẽ “khóa mõm” pháo binh của ta nhưng cuối cùng đã phải tự tử vì thất bại nhục nhã” - đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào về chiến công của 58 năm về trước.

Trong trận này, nhiều máy bay, xe tăng địch cũng bị triệt hạ dù các đơn vị pháo binh của ta chỉ được huấn luyện trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ. “Trước đây, bộ binh của ta bị pháo địch uy hiếp trong nhiều chiến dịch nhưng ở Điện Biên Phủ, nhờ có pháo binh mở đường mà bộ binh đã nhanh chóng chiếm được nhiều cứ điểm kiên cố của địch. Như trong trận Him Lam, bộ binh reo lên: “Pháo binh muôn năm” khi quân địch bị đánh cho tơi tả” – ông Giáp hào hứng.

Vẫn còn tiếc nuối

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp tiếp tục tham gia củng cố, phát triển binh chủng pháo binh; đồng thời tiếp quản Hà Nội, Hải Phòng khi Hiệp định Genève ký kết. Từ năm 1967-1973, ông là chỉ huy tham mưu ở mặt trận Bình Trị Thiên và tham gia giải phóng Quảng Trị năm 1972. Khắp các chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc, ông Giáp đều lăn lộn với vai trò phó Phòng Tham mưu của Binh chủng Pháo binh.
img
Ông Giáp kể lại một đời binh nghiệp. Ảnh: Mạnh Duy

“Tôi vẫn tiếc vì không được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lúc đó, tôi cùng nhiều cán bộ của Binh chủng Pháo binh được cử đi học ở Liên Xô. Chúng tôi chỉ đi 9 tháng nhưng khi về thì miền Nam đã được giải phóng. Khi nhận nhiệm vụ lên đường đi học, tôi rất phân vân nhưng cấp trên nói yên tâm, không mất phần đâu vì ai cũng biết tôi rất háo hức khi chúng ta chuẩn bị mở chiến dịch lớn ở miền Nam” - ông Giáp tiếc nuối.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo