xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ vật một thời máu lửa

Bài và ảnh: Phan Anh

Tuy những bộ hồ sơ đã úa màu thời gian nhưng đó là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người không tiếc máu xương hy sinh vì nghĩa lớn

Lần đầu tiên, những hồ sơ sau gần 40 năm xa cách đã trở về với cán bộ, chiến sĩ đi B và thân nhân tại TP HCM khi thành phố tổ chức trao trả 100 hồ sơ cán bộ đi B vào sáng 25-7.

Đong đầy khát vọng độc lập

Cầm bộ hồ sơ trên tay, ông Nguyễn Văn Tê xúc động: “Bất ngờ lắm khi nhận lại những tư liệu này, cứ tưởng đã mất mãi mãi nhưng giờ lại có được. Tôi vui lắm!”. Ông Tê, người con của Sài Gòn tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève ngày nào, giờ đã ở cái tuổi 80. Đôi mắt không còn tinh anh, đôi tai không còn thính nhưng khi nhắc về những năm tháng đi B, ông như trẻ lại: “Ngày ấy là những thanh niên mới lớn, ai cũng mong muốn đem sức mình để chiến đấu, giải phóng cho quê hương và giành độc lập cho đất nước. Tôi thấy mình đã sống trọn vẹn với Tổ quốc, với quê hương”.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang trao trả hồ sơ cho các cán bộ đi B
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang trao trả hồ sơ cho các cán bộ đi B

Cầm bộ hồ sơ vừa mới nhận lại, ông Đỗ Văn Dọi tâm sự: “Chẳng biết nhà nước còn giữ lại được những gì của tôi sau ngần ấy năm nhưng nếu chỉ nhận được mảnh giấy lý lịch năm xưa thôi, tôi cũng đủ thấy hạnh phúc rồi, bởi phía sau những hồ sơ được trao trả cho cán bộ đi B là những câu chuyện đong đầy khát vọng độc lập của lớp lớp chiến sĩ vượt Trường Sơn”. Như sợ mất, ông lật nhanh từng trang giấy trong bộ hồ sơ. “Giấy tờ tùy thân, lý lịch, phiếu đăng ký hồ sơ cán bộ đi B, thẻ cán bộ. Hầu như còn đủ cả. Tôi vui quá, toàn bộ giấy tờ tưởng như sẽ không bao giờ tìm lại được, nay đã trở về. Đây là một thời chiến đấu hào hùng cùng đồng đội và sẽ là báu vật truyền cho con cháu mai sau” - ông phấn khởi.

2 năm thành 20 năm

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang cho biết cách đây 60 năm, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ưu tú của miền Nam đã tập kết ra Bắc học tập, công tác; sau đó, họ lần lượt được cử về miền Nam để tăng cường, chi viện trực tiếp cho cách mạng. Theo đó, những đơn vị mở đường Trường Sơn được thành lập, ngày đêm bạt núi, mở đường với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì miền Nam thân yêu”; anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên một kỳ tích lịch sử của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Trước khi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, các cán bộ đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật thân yêu của mình và được đặt tên “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B”. Sau nhiều năm tháng đi qua, nhiều cán bộ đi B đã hy sinh hoặc từ trần thì những bộ hồ sơ, những kỷ vật này càng có ý nghĩa và giá trị. Đó là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận hàng vạn con người không tiếc máu xương để hy sinh vì nghĩa lớn” - ông Tất Thành Cang khẳng định. Ông Tất Thành Cang cho biết nhiều gia đình chờ đợi từng ngày, từng giờ mong được nhận lại hồ sơ của thân nhân mình. Với họ, đây là một phần cuộc đời của thân nhân và là những kỷ vật vô giá. “Việc tổ chức trao trả hồ sơ cán bộ đi B hôm nay không chỉ góp phần vào việc thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng, giúp những cán bộ đi B, thân nhân tìm được giấy tờ để hưởng chế độ chính sách của nhà nước mà như một lời tri ân, ghi công đối với các cán bộ và thân nhân cán bộ đi B đã không tiếc máu xương giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng và đạo lý tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Nhớ về những ngày tập kết ra Bắc năm 1954, ông Lê Văn Bòn bồi hồi: “Ngày rời Sài Gòn, mọi người đưa 2 ngón tay hẹn người thân sau 2 năm sẽ trở về đoàn tụ. Nhưng 2 năm đã thành hơn 20 năm đầy máu và nước mắt của cả dân tộc. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, cả miền Nam bị bom đạn cày xới. Những người con của 2 miền Nam - Bắc lại tình nguyện hiến dâng tuổi trẻ, nhiệt huyết và tình yêu của mình cho ngày toàn thắng của dân tộc. Mãi đến năm 1973, tôi mới được về Nam”. Theo ông Bòn, khi nhận lệnh điều về Nam, ông mừng lắm. Dẫu biết rằng chiến trường miền Nam những năm ấy rất ác liệt nhưng trở về chiến trường này với những người đi B là cả tinh thần xung phong, chiến đấu để giải phóng miền Nam. Ra đi với niềm tin rồi đất nước sẽ thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà nhưng cũng có những người ra đi mãi mãi, không nhận lại những gì đã gửi trước khi đi. “Không ai nghĩ đến một ngày nào đó, họ có thể nhận lại được những kỷ vật của một thời máu lửa, những kỷ vật của cả giai đoạn đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của cách mạng miền Nam” - ông Bòn xúc động.

TP HCM đang giữ 1.920 hồ sơ cán bộ đi B

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết sở đang bảo quản 1.920 hồ sơ cán bộ đi B của TP HCM được tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Các cán bộ từng đi B hoặc thân nhân của họ có thể tra cứu danh sách trên trang web của Sở Nội vụ theo địa chỉ http://www.sonoivu.hochiminhcity.gov.vn hoặc liên hệ UBND xã, phường, thị trấn, phòng nội vụ các quận huyện nơi cư trú.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo