Mới đây, một đoạn clip gây xôn xao trên mạng mô tả cảnh một tài xế xe buýt hung hãn cầm dao đuổi một người trên đường do trước đó xảy ra va quẹt nhẹ. Rõ ràng, “văn hóa” xe buýt đang có vấn đề. Đã đành, sự căng thẳng của bối cảnh giao thông, áp lực kẹt xe, tắc nghẽn đang tác động không nhỏ đến tâm lý những người làm dịch vụ trên xe buýt. Nhưng còn một yếu tố nữa dẫn đến tình trạng trên: Ai cũng nghĩ rằng “tiền nào của đó”, “giá bèo thì dịch vụ cũng bèo”! Một khi cả nhà xe lẫn hành khách đều nghĩ như vậy thì nảy sinh và dung dưỡng sự dễ dãi, bừa bãi, thiếu chuyên nghiệp là đương nhiên. Ngoài ra, tâm lý đa số khách hàng chọn xe buýt đơn giản là để tiết kiệm tiền bạc, cho nên nhiều lúc im lặng, cam chịu, thờ ơ trước những tình huống phản văn hóa thường diễn ra trên xe.
Đa số người lao động phổ thông, công nhân, sinh viên, học sinh là hành khách thường xuyên của xe buýt. Không chối cãi, chế độ trợ giá là một trong những điều giúp xe buýt níu giữ khách bình dân. Song giá rẻ, tiện lợi sẽ không thể đánh đổi lấy sự yếu kém về dịch vụ, sự mất an ninh hiện hữu và có chiều hướng gia tăng.
Gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP HCM có văn bản gửi đến UBND, Công an và Sở Giao thông Vận tải TP đề nghị có sự tiếp sức, hỗ trợ bảo vệ an ninh trên xe buýt. “Với chủ trương kéo dài thời gian hoạt động của xe buýt vào cuối ngày nhưng nếu tình hình an ninh trật tự xe buýt không bảo đảm sẽ khó lòng thu hút hành khách sử dụng xe buýt” - văn bản nêu rõ.
Vì thế, bản thân đơn vị khai thác dịch vụ cũng cần có những thay đổi mang tính căn bản, làm sao để không gian trên xe buýt không còn tình trạng xô bồ, dịch vụ yếu kém, mất kiểm soát, trở thành chốn “thu hút” những băng nhóm giang hồ chọn hoạt động. Thay vì đánh động bằng những bảng thông báo “gây sợ” với khách hàng, có lẽ cần những đầu tư căn bản, công nghệ hiện đại hơn, như xây dựng hệ thống báo động, kêu gọi hỗ trợ an ninh khẩn cấp. Và cũng bằng giải pháp công nghệ, phải tạo được kênh tiếp nhận phản hồi của hành khách để dịch vụ nhà xe được ngày một hoàn thiện.
Nếu thực sự dùng xe buýt như là một trong những giải pháp giảm căng thẳng giao thông và bảo vệ môi trường đô thị thì nhà nước và cả bên khai thác dịch vụ cần vứt bỏ cách nghĩ đơn giản “giá bèo thì dịch vụ bèo”.
Sở Giao thông Vận tải TP đánh giá sau 8 tháng thực hiện thí điểm quảng cáo trên thân 10 tuyến xe buýt với 171 phương tiện, hiệu quả đã rất rõ rệt khi thu về hơn 14,6 tỉ đồng. Kiếm được lợi nhuận, được nhà nước trợ giá, hy vọng sắp tới đây, người dân TP HCM và các đô thị khác nhận được chất lượng dịch vụ tốt hơn từ xe buýt. Và hy vọng nhìn vào phương tiện giao thông công cộng này, có thể nhận diện được một phần đời sống văn minh của các đô thị Việt Nam.
Bình luận (0)