Đầu thế kỷ XX, các học giả đã đặt vấn đề này. Cụ Mai Viên Đoàn Triển trong cuốn “An Nam phong tục sách” có đề cập phong tục ăn Tết của người Việt Nam với những phản biện văn hóa gay gắt: “Xét Tết nguyên đán nước nào cũng có, không thể thiếu được. Nhưng chỉ có ở nước ta, cúng tế đến bốn năm ngày thật là phiền nhiễu. Vả lại, vàng hương, giấy viết, đối liễn, pháo… đều là hàng Bắc hóa (tức Trung Quốc - NV) lãng phí rất nhiều. Hoặc có kẻ kiếm lợi bắt chước làm theo thật chẳng khôn ngoan. Đến như nạn cờ bạc, càng là việc cần ngăn ngừa. Thiết nghĩ, hai ngày tất niên, nguyên đán thờ cúng tổ tiên và vui chơi đủ rồi”.
Cụ Đoàn Triển đề nghị Tết cần dừng lại từ mùng 2, ngoài ra còn lên tiếng về sự phung phí vô độ của người Việt Nam trong mỗi dịp Tết.
Trong sách “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính cũng nói về sự lôi thôi trong tục ăn Tết của người Việt Nam. Một trong những cái lôi thôi đó là học đòi những thú tiêu khiển vô bổ, có nguồn gốc từ nước khác như nạn túm tụm bài bạc, lúc lắc thò lò, hội hè hát xướng ồn ào, tiêu xài hoang phí cho đến hàng loạt hủ tục chẳng đâu vào đâu. “Ở về tỉnh thành Sài Gòn, lâu nay nhiễm được tân hóa, mấy hôm Tết nhiều nhà xử thanh đạm như thường. Ở Hà Nội, các người tân học cũng đã chán cái cách ăn Tết của ta lắm nhưng chưa mấy người khiết nhiên (bỏ) đi được” - cụ Phan Kế Bính viết.
Như vậy, điều mà ngày trước các học giả như Mai Viên Đoàn Triển và Phan Kế Bính nhìn thấy không phải là chuyện bỏ Tết mà vấn đề là nên ăn Tết như thế nào, trong tâm thế nào; xa hơn là cần xác lập chủ quyền văn hóa thông qua phong tục. Ăn Tết sao để không u mê dục vọng tới mức mất đi sự sáng suốt, thấu hiểu nguồn gốc phong tục, để những cuộc ăn chơi vô bổ, phung phí của dân ta trở thành dịp rót tiền của vào ngoại bang.
Nạn cờ bạc, rượu chè Tết nhất, phung phí vẫn còn nhiều trong các kỳ nghỉ Tết, tai nạn giao thông gia tăng, nạn quà cáp, phong bì chạy chọt trong các dịp Tết nhất hãy còn phổ biến… làm cho Tết trở thành một dịp hội tụ, biểu hiện những cái rởm, cái xấu, cái ảo, cái đáng sợ nhất trong thời gian của một năm. Tết trong thời toàn cầu hóa có lẽ cũng phải đặt lại những tự vấn văn hóa và phải tìm cho được lời giải để từ đó có thể làm chủ những nghi lễ, phong tục và làm giàu có hơn, văn minh hơn trong lối sống.
Cuộc phản biện văn hóa nhằm vào phong tục Tết từ một thế kỷ trước, nay vẫn còn thời sự. Tết cũng không có gì thay đổi. Điều này khiến chúng ta không khỏi giật mình. Sức sống mạnh mẽ của tâm thức truyền thống ở ta là có, điều kiến tạo nên nền tảng tích cực của phát triển nhưng hóa ra sức sống của những hủ tục, những phát sinh tiêu cực kèm theo cũng không phải là ít.
Bỏ Tết cổ truyền là chuyện không thể, không dễ, không nên nhưng câu hỏi nên đặt ra lúc này là làm sao để ăn Tết cho thật tốt đẹp, thanh đạm, để Tết nhất, hội hè của ta không là một màn dị biệt với thế giới văn minh.
Bình luận (0)