Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng chuyên đề Bộ mặt đô thị sau SEA Games, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Chúng tôi xin tiếp tục phản ánh những điều “xốn mắt” về môi trường, mỹ quan đô thị.
Những chuyện cũ chưa có hồi kết
Chúng tôi trở lại “khu vực bẩn nhất TPHCM”, giáp ranh giữa hai quận 5 và 6 từng được Báo Người Lao Động đề cập trong chuyên đề Bộ mặt đô thị trước SEA Games vào tháng 9-2003. Với những nỗ lực của chính quyền trong dịp diễn ra SEA Games nên tình trạng mất vệ sinh tại khu vực trước chợ Bình Tây bước đầu được khắc phục. Tuy nhiên, một số tuyến đường trước và xung quanh chợ như: Tháp Mười, Chu Văn An... lại bị hàng rong lấn chiếm, buôn bán mất trật tự, xả rác bừa bãi khiến nhiều du khách phải nhăn mặt khi đến tham quan chợ.
Tại chợ An Đông, nạn chèo kéo du khách của “đội quân” bán hàng lưu niệm cũng bắt đầu tái diễn. Thêm vào đó, gần chục người ăn xin với hơn phân nửa là trẻ em lê la khắp chợ sẵn sàng đeo bám tới cùng các du khách. Không hiểu sao các đối tượng ăn xin công khai làm phiền du khách mà không hề bị lực lượng bảo vệ của chợ xử lý hay nhắc nhở. Một địa điểm bẩn khác từng được chúng tôi đề cập trong chuyên đề trước là trạm xe buýt tại công trường Quách Thị Trang. Những vũng nước tù đọng đã được giải quyết nhưng không vì thế mà tình trạng mất vệ sinh giảm đi, mùi xú uế vẫn bốc lên nồng nặc, rác được thải thường xuyên ra đường.
Trong dịp diễn ra SEA Games 22, Sở GTCC đã thực hiện chương trình 12 tuyến đường mẫu với những tiêu chuẩn cụ thể về các yếu tố kỹ thuật cũng như mỹ quan. Nhưng sau khi ngày hội thể thao của khu vực kết thúc thì các tuyến đường mẫu lại bị bỏ rơi, thậm chí còn tệ hại hơn trước. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi trở lại đường Nguyễn Tri Phương là dàn hoa kiểng trước Trung tâm Thể dục Thể thao quận 10 đã không còn tác dụng trang trí mà đã trở thành rác, héo hắt, rơi rụng khắp nơi. Suốt tuyến, những vũng nước tù đọng, ổ gà xuất hiện rải rác hai bên đường. Đường Trần Hưng Đạo cũng chung số phận do công tác tái lập mặt đường trong thời gian qua không đạt yêu cầu. Gần như đường phải mang “thẹo”, lồi lõm, chắp vá và có cả những ổ gà khá to bẫy người đi đường.
“Bệnh” ngày Tết nở rộ
Tuy chỉ còn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng những phiên chợ hàng “xôn” đã bắt đầu xuống phố. Đường Hai Bà Trưng (quận 1) xe cộ ùn tắc vì người mua vô tư đậu xe dưới lòng đường như trong sân nhà mình. Xe cộ lưu thông trên đường Minh Phụng (quận 6) liên tục bị tắc nghẽn vì hàng “xôn” nằm chễm chệ dưới lòng đường. Anh Nguyễn Hữu Trung (ngụ tại đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) bức xúc: “Như một loại bệnh, đến gần Tết hàng giảm giá lại bày bán tràn lan, gây cản trở giao thông thậm chí là tai nạn mà không hề bị xử lý”. Tại đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), các cửa hàng bán trướng, liễn, lồng đèn... đã ngang nhiên bày biện hàng hóa chiếm hết vỉa hè cộng với cả trăm chiếc xe gắn máy của khách hàng dựng tràn ra lòng đường làm cho việc lưu thông hết sức khó khăn.
Một “bệnh” khác của những ngày gần Tết là tình trạng bày bán sách tử vi, mê tín dị đoan công khai trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3). Không hiểu chính quyền đã thật sự “bó tay” hay cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để những người bán tràn xuống cả lòng đường níu kéo người qua lại. Thêm vào đó, mặc dù chưa đến Tết nhưng các chiếu bạc đã bày ra khắp phố. Tại đường Ngô Thời Nhiệm, gần Bệnh viện Da liễu, một sòng bài sát phạt như chốn không người, thậm chí còn to tiếng chửi bới gây náo loạn cả khu vực. Chúng tôi xin mượn lời của bác Phan Văn Bảy (ngụ tại đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận), một cư dân lâu năm của TP để kết thúc bài viết này: Tết Nguyên đán cũng là dịp lễ quan trọng nhất tại sao TP lại thờ ơ để người dân TP đón Tết trong một đô thị kém vệ sinh và mỹ quan như thế?
Bình luận (0)