Không phải ngẫu nhiên mà mấy ngày qua, báo chí và mạng xã hội liên tục thông tin vụ một nữ du khách nước ngoài vướng chân vào móc sắt trên vỉa hè và bị ngã dập mặt được bồi thường 1.000 USD. Dư luận bàn tán nhiều bởi hiếm khi thấy một ai đó được bồi thường do lỗi của đơn vị thi công công trình gây ra.
Trong vụ việc trên, ngay sau khi xem clip do một người dân ghi lại cảnh nữ du khách bị ngã dập mặt do vướng vào móc sắt trên vỉa hè ở giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP HCM), UBND quận 1 đã làm việc với đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư - Xuất nhập khẩu Viễn Đông. Kết quả, công ty này chấp nhận xin lỗi và bồi thường 1.000 USD cho nữ du khách.
Từ vụ việc này, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, khẳng định không phân biệt là người nước ngoài hay người dân trong nước, hễ ai làm sai, làm ẩu, gây họa cho người khác thì phải bồi thường. Theo ông Hải, chỉ có vậy mới nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thi công trong việc bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn cho người dân.
Hẳn dư luận không quên vào cuối tháng 10-2016, trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM, ông Nguyễn Văn Ngộ (SN 1975, quê TP Cần Thơ) do đuổi theo xe buýt mà vấp vào hố ga, tử vong. Điều đáng nói là kết cục lỗi được kết luận do ông Ngộ sơ ý.
Nói thế để thấy gần như chưa có cơ chế, biện pháp nào để buộc đơn vị thi công liên đới chịu trách nhiệm hay bồi thường. Bản thân người dân khi bị tai nạn cũng không biết cậy vào ai.
Cũng vì thế mà hiện nay, trên các đường phố, nơi công cộng, những “vật thể” công trình quên dọn dẹp hay những công trình thi công mất an toàn vẫn cứ nhan nhản. Thậm chí, sau vụ nữ du khách ngã dập mặt, các địa phương, đơn vị thi công cũng chẳng rút ra bài học nào. Như tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt (quận 10) đang có một cọc sắt nhọn nhô hơn mặt đường 4 cm. Cọc sắt này do đơn vị thi công dùng buộc dây các đèn trang trí dịp lễ, Tết vừa qua và “quên” nhổ bỏ. Cũng trên đường 3 Tháng 2, đoạn trước dự án chung cư Hà Đô (quận 10), có một ụ bê-tông với 4 cọc thép nhô lên trời nằm ngay lối đi bộ và không được che chắn. Nếu lỡ vấp vào ụ bê-tông này, mức độ nguy hiểm đến tính mạng rất cao.
Đặt vấn đề trách nhiệm và bồi thường lên bàn các chuyên gia, đa số đều khẳng định luật pháp đã có quy định nhưng chưa được áp dụng hiệu quả. Kiến trúc sư Trần Vĩnh An, Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng trên nền tảng pháp luật, cần có cơ chế xử lý trách nhiệm, bồi thường, nhất là trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, thi công công trình công cộng. Còn theo luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, từ cách xử lý vụ việc cương quyết của UBND quận 1, các địa phương khác cần noi theo.
“Luật pháp hiện hành quy định rõ việc xử lý, bồi thường trách nhiệm nhưng nó chưa đi vào cuộc sống một phần do chúng ta thiếu cơ chế giám sát và công cụ quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả” - luật sư Đức nhận định.
Người dân còn ngại khiếu nại
Theo chuyên gia giao thông Trần Minh Long, Hội Kiến trúc sư TP HCM, khi bị té ngã do các công trình công cộng gây ra, rất ít người dân trình báo chính quyền hoặc khiếu kiện. Bởi họ ngại tốn kém thời gian, thậm chí nếu khiếu kiện thì lo tốn thêm tiền đi giám định thương tật nhưng không biết có được bồi thường hay không, bồi thường bao nhiêu. Ông Long cho biết mỗi công trình thi công đều có cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho người dân. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Việc khiếu nại giải quyết quyền lợi cũng là quyền của công dân.
Ông Bùi Việt Thành, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM:
Bài học cho chính quyền các đô thị
Công tác quản lý đô thị ở Việt Nam hiện nay không chú trọng đến không gian an toàn cho người dân tiếp cận tại các khu vực công cộng, vỉa hè. Công việc này mang nặng tính chủ quan của đơn vị quản lý, chỉ mong cho xong việc, được việc mình, còn lại thì mặc. Ví dụ, để ngăn chó thả rông vào khu vực hoa, hàng ngàn cây chông đã được cắm xuống đất trong khuôn viên vườn hoa 19 Tháng 8 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày 10-4, gây bất bình dư luận. Hay như ở khắp nơi, các miệng hố ga có độ chênh với mặt đường rất lớn, các cột điện được dỡ bỏ còn trơ cốt sắt luôn chực chờ gây họa. Việc không che chắn hay che chắn sơ sài gây nên những tai nạn thương tâm cho người đi bộ, sinh hoạt nơi công cộng. Điều này cho thấy công tác quản lý đô thị còn chồng chéo, các chế tài xử phạt không có tính răn đe. Khung xử phạt không nghiêm khắc là vì pháp lý không bảo vệ người sử dụng không gian công cộng, vỉa hè.
Trong xây dựng đô thị, quản lý không gian công cộng, vỉa hè, chúng ta đang làm theo kiểu ban phát nên vô tình không tính đến độ an toàn của con người. Một điều nữa, quy chuẩn xây dựng đã ban hành hướng dẫn rất rõ nhưng ngay đến chính quyền đô thị còn vận dụng sai (như vụ lắp barie trên vỉa hè ở TP HCM) thì khó mà tính đến việc bảo đảm an toàn cho người dân. Điểm mấu chốt là luật không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội và yếu tố nhân văn không được xem là tầm quan trọng bậc nhất thì sai phạm những kiểu như trên sẽ còn tái diễn.
Bài học trong xây dựng chính quyền đô thị là lấy con người làm trung tâm. Vụ nữ du khách bị ngã dập mặt, vụ dựng barie trái quy định của pháp luật hay tình trạng thi công bê bối phải được rút kinh nghiệm, chấn chỉnh.
Luật sư VÕ ĐAN MẠCH, Đoàn Luật sư TP HCM:
Pháp luật chưa thực thi hữu hiệu
Luật pháp hiện hành quy định rất đầy đủ về trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, nhất là đối với các công trình giao thông. Cụ thể, theo quy định tại điều 15 Thông tư liên tịch 9/2013 của liên bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, những hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình thì xử lý quy định tại khoản 1, điều 220 Bộ Luật Hình sự. Như vậy, những người thi công công trình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo bộ luật này. Về trách nhiệm dân sự, các hành vi vi phạm trong thi công công trình gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản, an toàn tính mạng người khác cũng được quy định tại điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật chưa được thực thi hữu hiệu, chưa đủ tính răn đe để buộc các tổ chức, cá nhân tuân thủ. Vì vậy, theo tôi, cần có biện pháp tích cực hơn nữa, như khi cấp phép cho các công trình, dự án, cơ quan quản lý phải đưa cả nội dung an toàn cho người dân vào nội dung cấp phép và giám sát để dễ dàng theo dõi và quy trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra. Đồng thời, phải xử phạt thật nghiêm minh, truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo đảm tính răn đe; qua đó nâng cao ý thức, đạo đức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, TP HCM nên ban hành một bộ quy chuẩn về bảo đảm hành lang và không gian, giới hạn phạm vi an toàn cho người dân và du khách. Song song đó, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật để phòng tránh các hậu quả; thiết lập cơ chế xử lý thông tin do người dân cung cấp để kịp thời kiểm tra, xử lý, giải quyết bồi thường, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan. Việc thiết lập cơ chế này cũng phục vụ hiệu quả cho quá trình lập lại trật tự vỉa hè mà TP đang quyết liệt triển khai.
P.Dũng ghi
Bình luận (0)