Ông Phạm Văn Lệ, Trưởng Phòng Thu Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong năm 2013, BHXH Quảng Ngãi khởi kiện 11 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH. 3 DN sau đó đã trả nhưng với số tiền rất khiêm tốn, còn lại vẫn chây ì.
Tạo điều kiện trả nợ
Cũng theo ông Lệ, đây là lần đầu tiên BHXH Quảng Ngãi kiện DN nợ BHXH. “Dự kiến năm nay, chúng tôi sẽ kiện tiếp khoảng 15 DN. Thực tế DN nợ BHXH thì nhiều nhưng kiện ra tòa ít là bởi phải tùy vào điều kiện DN đó có làm ăn phát sinh lãi suất, có đủ chi trả BHXH hay không. Chứ không ít DN hiện đang “thoi thóp”, nếu mình kiện nữa, DN đó “tắt thở” luôn. Nợ BHXH phải trả nhưng phải tạo điều kiện cho họ trả” - ông Lệ nói.
Theo BHXH Quảng Ngãi, tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là các DN ngoài quốc doanh. Đến hết tháng 3-2014, các DN còn nợ BHXH Quảng Ngãi 68 tỉ đồng.
Điển hình tại Công ty CP Thiên Đàng (Khu Kinh tế Dung Quất) nợ 686 triệu đồng, nhiều lần BHXH yêu cầu trả nhưng phớt lờ. Đến cuối năm 2013, BHXH Đồng Nai khởi kiện nhưng cứ mỗi lần ra tòa, DN này chỉ đưa kế toán tham dự hoặc không cử người tới, tòa án cũng chịu thua. Chi nhánh Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 586 (thuộc Xí nghiệp Xây dựng công trình 5 - TP HCM) nợ 408 triệu đồng. BHXH Quảng Ngãi khởi kiện thì chi nhánh này liên tục “trốn” và đóng cửa khi cán bộ tòa án đến liên hệ làm việc. Vì thế, đến nay vụ kiện vẫn chưa được xét xử.
Theo ông Lệ, với những DN cố tình trốn tránh, phớt lờ nợ đọng BHXH, hiện BHXH Quảng Ngãi đã lập danh sách gửi BHXH Việt Nam để phối hợp với Thanh tra Chính phủ kiểm tra.
Khó khăn vô cùng
Chưa bao giờ BHXH Đồng Nai lại phải tiến hành hàng loạt biện pháp đòi nợ các DN như bây giờ. Theo BHXH Đồng Nai, không chỉ DN ngoài quốc doanh mà DN nhà nước nợ BHXH cũng khá phổ biến. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng thực trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn tiếp diễn.
Hiện trên địa bàn Đồng Nai có hàng ngàn DN nợ BHXH kéo dài. Điển hình như Công ty CP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia nợ 10,6 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 45-1: 10,4 tỉ đồng; Công ty CP VietBo: 5,5 tỉ đồng; Công ty TNHH Spring Fashion VN: 4,7 tỉ đồng; Công ty CP Lilama 45-4: 4,1 tỉ đồng; Công ty CP Licogi 16.5: 2,4 tỉ đồng; Công ty TNHH Sin Poong Vina: hơn 1,4 tỉ đồng… Theo thống kê, hiện nợ BHXH trên 6 tháng có 160 DN với hơn 77 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có hàng ngàn DN nợ từ 1 đến 6 tháng. Từ năm 2010 đến 2013, BHXH Đồng Nai phải khởi kiện tới 118 DN nợ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng Phòng Thu BHXH Đồng Nai, cho biết: “Chúng tôi cũng biết các DN có những khó khăn nhưng BHXH là quyền lợi của người lao động. Tháng nào chúng tôi cũng cử cán bộ đến DN đốc thúc nhưng có những DN chây ì không đóng, khi không thể đòi được, phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đòi cũng không được nữa thì thế cùng phải khởi kiện nhưng đòi được tiền BHXH cho người lao động sau kiện là chuyện khó khăn vô cùng. Hầu hết, kiện xong rồi, DN vẫn không chịu trả hoặc trả nhỏ giọt”. Có DN thua kiện nhưng mấy năm sau vẫn chưa trả tiền, kiện đến lần thứ 2 vẫn không trả.
“Có DN thật sự khó khăn nhưng cũng có những DN cố tình chiếm dụng tiền BHXH. Cùng quá mới kiện, nếu đòi được thì mình tự đi đòi là tốt nhất. Mấy năm nay, chỉ có Công ty Hanul Line sau khi thua kiện tuy có dây dưa mấy năm nhưng rồi cũng trả được số tiền trên 4 tỉ đồng, còn nhiều DN khác ì ạch hoặc không chịu trả làm số nợ phát sinh thêm. Điển hình như Công ty TNHH Tân Chimei phải thi hành bản án trả số nợ BHXH 746 triệu đồng, việc thi hành án kéo dài đến năm 2011 mới thu được 438 triệu đồng. Đến tháng 8-2012, Chi cục Thi hành án TP Biên Hòa trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền nợ còn lại 308 triệu đồng do DN này không có khả năng chi trả và số nợ đã phát sinh lên 502 triệu đồng” - bà Cẩm thở dài.
Bên cạnh đó, một số DN nợ BHXH nhưng phá sản, bán đấu giá và BHXH vẫn không đòi được nợ. Đơn cử như trường hợp Công ty Rượu Sâm-banh Matxcơva phải thi hành 2 bản án (năm 2009 và năm 2012) với tổng số tiền thi hành là gần 3 tỉ đồng nhưng DN này phá sản nên đến nay BHXH Đồng Nai vẫn chưa thể đòi được số tiền này.
Hầu như các cán bộ phòng thu của BHXH Đồng Nai đều ngán ngẩm với việc đòi nợ BHXH. Ông Nguyễn Ngọc Cưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa, nói: “Mỗi hồ sơ ít nhất cũng phải mất 2-3 năm, có khi hơn, mới đòi xong. DN thường chi trả lẻ tẻ từng tháng. Cũng có trường hợp đến nay vẫn không thể thu được nợ như Công ty Rượu Sâm-banh Matxcơva, do DN này phá sản, bị bán đấu giá”.
Đơn vị nhà nước cũng nợ
Trước tình trạng các DN nợ BHXH, từ năm 2012 đến nay, BHXH Bình Định đã khởi kiện 9 DN ở TP Quy Nhơn. Hiện đã có 8 vụ được giải quyết xong, án có hiệu lực thi hành với tổng số tiền nợ tòa buộc các DN phải trả gần 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, các “con nợ” chỉ trả nhỏ giọt thông qua thi hành án hơn 1 tỉ đồng trong khi số tiền nợ phát sinh hiện đã lên đến 8,5 tỉ đồng. Không riêng gì DN tư nhân, một số đơn vị nhà nước cũng nợ tiền BHXH. Điển hình như Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định) năm 2013 bị tòa án tuyên buộc phải trả cho BHXH gần 700 triệu đồng nhưng 1 năm qua chỉ trả khoảng 300 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Lý, chuyên viên Phòng Thu - BHXH tỉnh Bình Định, cho biết sau khi bản án có hiệu lực thi hành, nợ vẫn khó đòi, ngoài nguyên nhân do các “con nợ” làm ăn khó khăn, tài sản thế chấp ngân hàng... thì việc đòi nợ còn gặp vướng mắc do sự bất hợp tác của các cơ quan liên quan. Để bảo đảm tài sản thi hành án, BHXH tỉnh Bình Định đã gửi nhiều đơn yêu cầu ngân hàng xác minh số tài khoản các DN, đơn vị nợ BHXH nhưng chẳng có mấy ngân hàng phản hồi nên không có cơ sở để đề nghị cơ quan thi hành án vào cuộc.A.Tú
Kỳ tới: Chống chế đủ kiểu
Bình luận (0)