Sáng 6-1, nhận được phản ánh về việc một người dân tự làm cầu tạm bắc qua sông rồi thu phí với giá “cắt cổ”, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại khu vực thủy điện Sông Tranh 3 (giáp ranh huyện Tiên Phước và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) để tìm hiểu thông tin.
Theo một số người dân, sau đợt mưa lũ vào giữa tháng 12-2016, phần mố của cây cầu dài hơn 100 m bắc qua sông Tranh nối thôn 8 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) với thôn 5 (xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) bị nước cuốn trôi khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Cây cầu tạm do ông E. làm Ảnh: Văn Trưởng
Khoảng 10 ngày nay, ông T.V.E (ngụ xã Phước Gia) đã dùng cây rừng, ván gỗ để làm một cây cầu tạm ở khu vực bị lũ cuốn trôi. Điều đáng nói, để lấy lại tiền công, ông E. thu của người dân đi qua cầu từ 20.000 đến 40.000 đồng/lượt.
Trong sáng 6-1, khi chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 3 đang đưa máy móc, phương tiện đến khắc phục lại phần mố cầu bị trôi trước đó, ông E. vẫn túc trực tại cây cầu để thu tiền. Khi thấy chúng tôi đến, ông E. đặt vấn đề và nói nếu qua cầu thì phải trả phí 40.000 đồng/người và xe máy. Ông E. cho biết ông tự làm cầu và tự thu phí chứ không xin phép chính quyền địa phương. Ông cũng cho rằng số tiền ông thu là bình thường, không cao.
Nhiều người liều mình qua cầu Ảnh: Văn Trưởng
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một số người dân cho rằng họ đồng ý đóng phí vì ông E đã bỏ công làm cầu tạm nhưng với mức phí như ông E thu là quá cao. “Con tôi ở bên Phước Gia nhưng phải sang xã Tiên Cảnh học, mỗi ngày đi 4 lượt nhưng vì có quen biết nên mỗi lần mất 20.000 đồng. Số tiền này dồn lại cũng khá nhiều” – một phụ nữ cho biết.
Theo quan sát, cây cầu tạm ông E. làm khá đơn sơ và phía dưới sông nước chảy rất xiết nhưng nhiều ngày qua, nhiều người dân vẫn liều mình qua cầu.
Sáng 6-1, khi phía thủy điện đưa máy móc đến san lấp phần mố cầu, ông E. vẫn túc trực để thu phí
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, cho biết cây cầu trên do chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 3 xây dựng để phục vụ cho việc vận chuyển phương tiện, vật liệu thi công thủy điện. Nhiều năm nay, rất đông người dân ở 2 xã nằm 2 bên sông Tranh lưu thông qua cây cầu này.
Ông Nhiệm cho biết khu vực ông E. làm cầu tạm và thu phí thuộc địa phận xã Phước Gia. Trước đó, khi tiếp nhận thông tin, ông đã gọi điện cho những người có trách nhiệm ở huyện Hiệp Đức đề nghị sớm có giải pháp khắc phục để người dân lưu thông thuận tiện và tránh nguy hiểm. Ông Nhiệm cũng nói rằng không đồng tình với việc tự ý làm cầu tạm và thu phí với mức giá cao như ông E. làm.
Bình luận (0)