Ngày 1-1-2015, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành đoàn TP HCM làm lễ tuyên dương 6 công dân trẻ tiêu biểu của TP. Đằng sau thành công của những gương điển hình là sự đóng góp thầm lặng của mỗi cá nhân cho sự phát triển của TP. Họ xứng đáng được tôn vinh.
Đam mê nghiên cứu
Năm 2013, Trần Hữu Lộc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành vi sinh và bệnh tôm tại Mỹ khi mới 29 tuổi. Anh là người chứng minh được nguyên nhân của dịch bệnh hoại tử gan, tụy cấp trên tôm và đưa ra những phương pháp đối phó hiệu quả. Từ đó, cái tên TS Trần Hữu Lộc đối với người nuôi tôm Việt Nam và thế giới đã trở nên quen thuộc.
TS Lộc cho biết khi anh sang Mỹ học cũng là lúc ở Việt Nam xuất hiện một hội chứng hoại tử gan, tụy cấp trên tôm nuôi EMS/AHPNS. Bệnh gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á khác nhưng hoàn toàn chưa được ghi nhận trong lịch sử khoa học bệnh tôm của thế giới.
“Sự tàn phá của dịch bệnh làm hàng ngàn nông hộ phải tán gia bại sản, gây ra sự bức xúc lớn trong ngành tôm ở Việt Nam. Đây là điều một người làm khoa học không thể dửng dưng nên tôi chọn đề tài nghiên cứu xác định nguyên nhân của dịch bệnh này” - anh chia sẻ lý do chọn đề tài mang tính rủi ro rất cao.
Trong ba năm nghiên cứu, không biết bao nhiêu lần TS Lộc về Việt Nam để lấy mẫu, cũng không ít lần gặp trở ngại nhưng anh chưa bao giờ bỏ cuộc. Sự miệt mài cuối cùng cũng được đền đáp khi anh đã xác định dòng vi khuẩn đặc biệt của loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là nguyên nhân gây bệnh EMS/AHPNS và được cộng đồng khoa học thế giới công nhận. Với thành công đó, TS Lộc đã hoàn thành chương trình tiến sĩ sau 3 năm học, trong khi theo thông thường phải mất từ 5 - 6 năm.
Nói về thành công của đề tài, anh tâm sự: “Lấy bằng tiến sĩ mừng một nhưng mừng mười khi mình giúp được bà con nông dân. Thực tế, nông dân đối diện với rất nhiều rủi ro khi gắn bó với con tôm. Chỉ cần một dịch bệnh hoặc biến động giá cả thì họ trắng tay, phải cầm cố tài sản”.
Khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Mỹ, nhận được khá nhiều lời mời ở lại làm việc nhưng TS Lộc suy nghĩ: “Mỗi người đều có lựa chọn lối đi cho riêng mình. Trở về Việt Nam, đem những kiến thức đã học được, góp chút gì đó cho người dân là mong ước của tôi”.
Để hiện thực hóa ước mơ, anh đã lập phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về bệnh tôm nhằm tiếp tục kết nối với các chuyên gia với mong muốn Việt Nam sẽ tự làm chủ được ngành khoa học này và khoa học sẽ đến được với bà con nông dân một cách hiệu quả nhất.
Ở một lĩnh vực khác, Tổ trưởng phân xưởng cơ điện, Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương Trần Quốc Tuyên cũng đang ngày ngày miệt mài với những sáng kiến của mình. Trước nhu cầu kinh doanh, sản xuất của công ty đòi hỏi tính cạnh tranh cao trên thị trường, anh Tuyên đã tiên phong trong việc tìm tòi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật các thiết bị góp phần làm lợi cho công ty và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như các thiết bị: dây chuyền chiên bánh snack, dàn chén mì vắt vuông, máy cắt giấy, xe đẩy hấp bún, dây chuyền cháo công nghệ mới... Với việc đưa ra nhiều sáng kiến và cải tiến các thiết bị sản xuất tại công ty, anh Tuyên đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất hàng ngàn tỉ đồng. “Thật hạnh phúc khi những sáng kiến của mình được ghi nhận và áp dụng thực tế” - anh Tuyên hồ hởi.
Một gương mặt trẻ tiêu biểu khác là trinh sát Nguyễn Thế Tiến - Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP HCM. Anh được đồng nghiệp gọi thân mật bằng cái tên “khắc tinh của tội phạm”. Năm 2003, Tiến trúng tuyển vào Trường ĐH Luật TP HCM với chuyên ngành Luật Hình sự. Anh chia sẻ: “Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi thần tượng người trinh sát hình sự lắm nên cuối năm 2008, nộp đơn xin phục vụ lâu dài trong ngành công an rồi được điều động về công tác tại Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm”.
Tuy là con trai một nhưng từ nhỏ, Tiến đã được gia đình rèn luyện bản tính tự lập nên vất vả, khó khăn và nguy hiểm trong nghề không làm anh nản lòng mà càng nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Từ tháng 3-2009 đến nay, Tiến đã trực tiếp và tham gia cùng đồng đội phá hơn 150 vụ án hình sự, bắt giữ hơn 1.400 đối tượng. Đặc biệt, trong năm 2014, anh đã trực tiếp triệt phá rất nhiều chuyên án, tiêu biểu như chuyên án tổ chức đua xe trái phép do Hoàng Phi Hổ cùng đồng bọn thực hiện, bắt 15 đối tượng; vụ án cướp giật tài sản liên tỉnh do Lê Văn Minh (tự Tý bánh canh) cùng đồng bọn thực hiện, bắt 7 đối tượng.
Ngoài 3 gương mặt trên, Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM 2014 còn có sự góp mặt của Lê Yên Thanh, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM; Tạ Thùy Chi, Phó Ban quản lý nhà hát thực nghiệm Trường Trung cấp Múa TP HCM và Lê Thị Thanh Vân, Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM.
Bình luận (0)