Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 15.000 người H’Mông cư trú, sinh sống chủ yếu ở các huyện như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… Người H’Mông tại Thanh Hóa vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, tục lệ riêng mà ít dân tộc nào có được, tiêu biểu như cướp vợ, cưới hỏi, ma chay, làm vía…
Biến tướng xấu xa
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tập tục làm vía (phạt người phạm lỗi) ở đồng bào người H’Mông tại Thanh Hóa đang dần biến tướng. Nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra từ tục lệ vốn dĩ rất tốt đẹp này. Theo ông Lâu Văn Li, chuyên viên Phòng Văn hóa huyện Mường Lát, tục lệ làm vía của người H’Mông nhằm xử phạt những người làm trái phép tắc của già làng, trưởng bản như trộm cắp, quan hệ bất chính… “Thường thì những ai mắc lỗi này phải làm một mâm cơm, con gà, con heo, bạc trắng… mời 2 dòng họ “nạn nhân” đến xin lỗi, mong được tha thứ và có sự chứng kiến của già làng, trưởng bản. Thế nhưng, nay thì những người làm điều sai trái thường bị phạt tiền, có nhiều trường hợp đòi tiền rất cao. Ngoài ra, còn có chuyện vì ghét nhau trong cuộc sống nên “gài bẫy” để bắt phạt” - ông Li cho biết.
Điển hình cho sự biến tướng này là trường hợp của chị Hơ Thị L. ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Do chồng nghiện ngập qua đời sớm, chị L. ở một mình và đã ăn nằm với một người đàn ông trong bản, bị vợ người này phát hiện, bắt phải sắm cơm làm vía và nộp phạt 70 triệu đồng mới bỏ qua. Trưởng bản và bộ đội biên phòng cử người đến tận nhà bà vợ kia vận động, khuyên nhủ nên chị L. không phải nộp tiền. Tuy nhiên, vì xấu hổ, chị L. đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Ông Lâu Thanh Va, Trưởng Ban Dân vận huyện Mường Lát, thừa nhận chính tục lệ này khiến con gái H’Mông luôn sống khép mình, người có chồng con không dám gần ai. “Nhiều hôm tôi về bản, thấy người dọc đường nhưng không dám cho họ đi nhờ vì sợ bị vạ. Ở xã Pù Nhi chúng tôi cũng có vài trường hợp bị bắt vạ kiểu đó. Một vài người có chức tước, phải ngậm bồ hòn đền tiền cho yên chuyện” - ông Va kể.
Tại các bản H’Mông ở Mường Lát còn có một tục lệ rất xa hoa, lãng phí là ma chay. Khi trong dòng họ có bố hoặc mẹ chết, con cái phải góp 1 con trâu hoặc 1 con bò để làm đám ma. Có những đám ma diễn ra cả tuần, giết hàng chục con trâu, bò, heo…, ăn nhiều ngày không hết. Mới đây nhất, tại bản Tà Cóm, xã Trung Lý có gia đình làm thịt 9 con bò, 1 con trâu và 32 con heo… để tổ chức đám ma cho 1 người chết. Đám ma diễn ra trong suốt 7 ngày, tốn khoảng 300 triệu đồng.
Theo ông Li, tục lệ này có từ xa xưa, không thể bỏ ngày một ngày hai được nên làm khổ nhau là vậy.
Tin vào những điều huyễn hoặc
Ở các huyện miền núi, nhất là các huyện dọc biên giới Việt Nam - Lào như Tây Giang, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, người lạ muốn vào làng phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương. Theo lý giải của người dân, trước đây, do có nhiều người lạ mặt đến địa phương lừa đảo nên làng đặt ra thông lệ đó để phòng tránh chuyện xấu.
Thông lệ này gây không ít phiền hà cho người ở xa đến. Chúng tôi đã từng đến các huyện này và cũng gặp phải sự phản ứng của người dân, cuối cùng đành tháo lui, xin giấy giới thiệu từ chính quyền địa phương rồi mới được phép vào làng.
Còn đồng bào dân tộc Cơ Tu sống dọc dãy núi Trường Sơn ở tỉnh Quảng Nam thì lâu nay vẫn rất kiêng kỵ về những “cái chết xấu”. Khi có trường hợp chết xấu như đuối nước, tự tử…, người dân sẽ dời làng đi nơi khác sinh sống. Người Cơ Tu tin rằng hồn ma những người “chết xấu” sẽ quay trở lại để “bắt” người còn sống đi theo (!). Muốn giải “chết xấu”, phải làm lễ cúng theo phong tục riêng, khá cầu kỳ, phức tạp. Theo lệ làng, việc cúng tế được tổ chức 3 bước gồm cúng đất, cúng làng và cầu an; mỗi bước cách nhau 3 ngày với các con vật tương ứng theo quan niệm như: chó, dê và heo. Trong quá trình tổ chức lễ cúng cầu an, các cổng làng sẽ được rào kín, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Chết cũng không yên!
Lạch Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa) là một trong những làng biển lâu đời nhất của Phú Yên và cũng là làng biển có nhiều lệ nhất tỉnh này. Không biết từ lúc nào, người của làng biển này đưa ra quy định ăn cá không được lật. Trong bữa ăn, nếu lỡ lật cá mà làng phát hiện thì sẽ bị phạt rất nặng. Ban lạch dùng tiền phạt này để cúng lăng nhằm xá tội cho người lỡ lật cá và cầu bình an cho dân làng!
Người dân nơi đây còn có một lệ khác được quy định rất nghiêm ngặt là người chết ngoài biển dù với lý do gì cũng không được đưa vào cửa biển. “Từ xưa, người dân ở đây đã xem cửa biển Đà Diễn (cửa sông Ba) là của ông bà. Nếu người chết ngoài biển mà đưa vào đây sẽ bị ông bà quở phạt cho cả làng bị đói, biển mất mùa, người dân ra khơi sẽ gặp sóng to gió lớn” - ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, cho biết.
Sáng 1-2-2015, tàu cá PY-90312-TS do ông Trần Bông (ngụ phường 6) làm thuyền trưởng đưa thi thể anh Nguyễn Minh Phát (ngụ thôn Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa), thuyền viên trên tàu, về đất liền nhưng không được vào cửa Đà Diễn mà phải vào tận bến Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, cách nhà hơn 40 km. Trước đó, tối 27-1, trong lúc anh Phát đang sửa máy tàu giữa biển thì dây cu-roa bị đứt, quất thẳng vào đầu, gây chấn thương nặng rồi tử vong. Biết quy định của ban lạch, ông Bông phải cập bến ở vịnh Vũng Rô rồi thuê xe đưa thi thể anh Phát về quê mai táng.
Cũng theo lệ làng ở đây, người chết ngoài biển sẽ không được đưa về làng để lo hậu sự mà phải khâm liệm ngay trên bờ biển rồi đưa ra mộ. Người ta cho rằng nếu đưa về làng, người chết sẽ không được siêu thoát (!).
Hồng Ánh
Bình luận (0)