Một câu chuyện cười ra nước mắt. Hàng cây xanh bên đường được trồng đã lâu năm, có cây tuổi đời hàng chục năm, tỏa bóng mát. Nhiều cây không ảnh hưởng giao thông liên thôn, không lấn ra đường nhưng vẫn bị đốn hạ. Chặt cây xong là hậu quả phơi bày tức khắc: Cả con đường nắng chang chang, thiếu mảng xanh, nhiều gốc cây nham nhở, nguy hiểm cho người tham gia giao thông và sinh hoat của cư dân. Dư luận nóng lên, ngày 23-3, ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho biết xã Cẩm Yên đã thực hiện rập khuôn, không đúng tinh thần chỉ đạo của huyện. Thay vì di dời hoặc cắt tỉa cây cho gọn thì lại chặt bỏ hàng loạt cây xanh. UBND huyện sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong vụ chặt cây này.
Khắp cả nước đã có rất nhiều bài học về não trạng tư duy và hành xử của người Việt, về sự a dua trong làm ăn, sinh hoạt, kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Từ những chuyện như nuôi lồng bè, nuôi cá tra, cá sấu… đến trồng tiêu, điều, trồng cây “tỉ đô” mắc-ca… do hám lợi mà học đòi dẫn đến không bán được, phải đổ bỏ. Từ chuyện tỉnh nào cũng muốn có nhà máy bia, sân bay, đến khắp núi rừng giăng đầy công trình thủy điện trên các dòng sông…
Với các phong trào kiểu tự phát trong dân như chạy theo trồng cây này, nuôi con khác hoặc chuyện chặt sạch cây xanh đường liên thôn ở xã Cẩm Yên còn có thể nhìn nhận là do tư duy hạn hẹp, do tầm nhìn ngắn, nghĩ một mà không thấy hai. Nhưng với các dự án lớn thì chắc chắn không thể đánh giá tư duy, tầm nhìn của người vẽ ra dự án, của nhà đầu tư, bởi họ biết rất rõ đâu là bất cập, đâu là thái quá song vẫn làm vì họ biết được lợi nhuận khổng lồ thu được sau từng dự án. Còn hậu quả của nó sẽ để cho người đi sau, cho địa phương và người dân gánh chịu.
Trong cuộc sống, hành xử bất cập không đem lại hiệu quả, song nếu thái quá thì lại đem đến kết cục không như ý, thậm chí hậu quả nặng nề. Trong quản lý, điều hành, bất cập hoặc thái quá đều thể hiện sự cực đoan, duy ý chí. Do đó, điều quan trọng và hết sức cần thiết là nâng cao dân trí và quan trí. Khi dân trí nâng cao, nhận thức tốt hơn sẽ không có hiện tượng a dua, làm liều. Quan trí nâng cao sẽ phân biệt được đâu là việc cần làm, không suy nghĩ thiển cận, hành động thiếu cân nhắc. Người dân luôn an tâm khi được cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn về cách làm, hỗ trợ phương tiện và chính sách thỏa đáng trong những việc liên quan đến làm ăn, sinh kế.
Qua câu chuyện ở Cẩm Yên càng thấu hiểu cái giá đắt của lối nghĩ làm sạch là cứ thế mà “phang” những gì trong tầm mắt. Đừng để đến khi đi giữa trời nắng chang chang mới biết quý một bóng cây bên đường. Giọt nước mắt bên cây trái thu hoạch phải đổ bỏ, vật nuôi ế ẩm phải bán như cho luôn nóng hổi tính thời sự, mang giá trị cảnh báo cộng đồng.
Bình luận (0)